Câu chuyện doanh nghiệp ĐBSCL
Diễn đàn Doanh nghiệp ĐBSCL nằm trong khuôn khổ MDEC - Vĩnh Long 2013, được tổ chức sáng ngày 26-11 trong bối cảnh các doanh nghiệp (DN) đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Diễn đàn lần này một lần nữa nhằm đánh giá đúng thực trạng và tìm những giải pháp hiệu quả nhất cho hoạt động của DN trong vùng.
Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ và Hội đồng Hiệp hội DN ĐBSCL tiến hành trong 6 tháng đầu năm 2013 đối với các DN vừa và nhỏ cho thấy rằng, tình hình sản xuất - kinh doanh (SXKD) vẫn tiếp tục khó khăn, có tới 65% DN có mức doanh thu giảm, nguyên nhân là do thị trường bị thu hẹp, lượng đơn đặt hàng ít, hàng tồn kho tăng cao… đã kéo theo lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng, DN hoạt động chủ yếu là duy trì sản xuất để bù khấu hao và trả lương cho người lao động.
Đây cũng là điều đương nhiên vì năm 2013 là năm thứ 6 của suy thoái và khủng hoảng kinh tế, sự kéo dài của nền kinh tế khó khăn khiến DN suy kiệt mọi nguồn lực. Đặc biệt là đối với các DN ở ĐBSCL chủ yếu là hoạt động SXKD trong lĩnh vực nông, thủy sản, không những chịu tác động chung của nền kinh tế trong nước mà còn chịu sự chi phối to lớn của thị trường tiêu thụ quốc tế.
Nhiều doanh nghiệp trong vùng ĐBSCL còn khó khăn khi tiếp cận vốn vay. |
Theo VCCI Chi nhánh Cần Thơ, khó khăn tiêu biểu nhất của DN ĐBSCL tập trung vào: Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của thị trường trong nước ngày càng kém đi gây ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến doanh thu, lợi nhuận và hoạt động SXKD của DN. Mặc dù năm 2013 mặt bằng lãi suất vay đã hạ xuống nhưng phần lớn DN vẫn kêu khó và không tiếp cận được vốn, chỉ có trên 36% DN tiếp cận được với mức trần lãi suất 15%/năm.
Có điều đáng lưu ý là cả phía ngân hàng và DN đều nỗ lực và mong muốn gặp nhau tuy nhiên những nỗ lực này vẫn chưa giải quyết được khó khăn về vốn hiện nay. Nguyên nhân chính là do nền kinh tế vẫn chưa phục hồi, tổng cầu thấp, tồn kho lớn; lòng tin của DN vào nền kinh tế bị giảm sút; các DN có đủ điều kiện vay thì không muốn vay, các DN cần vay thì không đủ điều kiện vay do còn nợ xấu; năng lực điều hành và quản trị của DN còn yếu.
Tuy nhiên, hàng tồn kho đang được xem là nút thắt khá lớn đối với DN. Theo kết quả khảo sát mới đây cho thấy rằng, có đến trên 82% DN có hàng tồn kho, với lượng hàng tồn kho lớn và tập trung vào một số ngành như: Xây dựng, bất động sản, công nghệ chế biến, thương mại, vận tải kho bãi.
Nguyên nhân của thực trạng này là do tổng cầu thấp, sự suy yếu của một số ngành trong nền kinh tế đã tác động lan tỏa đến các ngành khác. Hàng tồn kho lớn, DN không có doanh thu và lợi nhuận, hoạt động cầm chừng để duy trì SXKD và đảm bảo lương cho người lao động.
Ở góc nhìn khác, theo TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Chi nhánh Cần Thơ, hầu hết DN trong vùng có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Theo số liệu thống kê gần đây, có đến 28% là DN nhỏ, trên 68% là DN siêu nhỏ. Trong số DN siêu nhỏ có đến 93% có quy mô dưới 10 tỷ đồng. Từ các số liệu cho thấy, DN ở ĐBSCL thấp hơn mức trung bình của quốc gia và một số vùng khác.
Còn theo ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ kinh tế (Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ), DN ở ĐBSCL đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do vậy, yếu tố nổi lên hiện nay là yêu cầu tăng cường liên kết DN, hợp tác xã, nông dân một cách thực chất, hiệu quả, chia sẻ lợi ích trên cơ sở phân khúc thị trường một cách hợp lý; hoàn thiện các chuỗi giá trị để vừa tạo ra sức mạnh, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh, triệt tiêu lẫn nhau. Cùng với “liên kết chính quyền” đã được quan tâm thời gian qua, phải tăng cường hơn nữa “liên kết thị trường, liên kết DN” trên cơ sở hài hòa lợi ích.
Ông Bùi Ngọc Sương, Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, cho rằng với tình hình dự báo trong những năm tới nền kinh tế nói chung, Việt Nam nói riêng vẫn còn khó khăn, các DN phải tiếp tục đương đầu với nhiều bài toán khó trong SXKD.
Do đó, muốn tồn tại và phát triển, cùng với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và nỗ lực của mỗi DN thì việc liên kết, hợp tác giữa các DN trong vùng với nhau và giữa các DN trong vùng ĐBSCL với khu vực Đông Nam bộ và đặc biệt là với TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội - 2 trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước, để khai thác tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, của mỗi vùng kinh tế.
PHƯƠNG ANH