Thứ Hai, 02/12/2013, 16:56 (GMT+7)
.

Đôi điều suy nghĩ về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục

Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục trong giai đoạn hiện nay là một nhiệm vụ vô cùng cấp thiết của đất nước ta. Toàn xã hội ta ý thức rất rõ nhiệm vụ này. Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã đưa ra Nghị quyết đánh giá thực trạng nền giáo dục của đất nước và những định hướng đổi mới trong những năm sắp tới.

Chúng ta có nhiều niềm tin và hy vọng về sự thành công của công cuộc đổi mới nền giáo dục lần này. Tuy nhiên, trăn trở, âu lo cũng không ít. Những trăn trở sau đây thiết nghĩ cũng là trăn trở của nhiều giáo viên trực tiếp giảng dạy bậc phổ thông, ở những vùng sâu, vùng xa của đất nước.

Tại Tiền Giang, các thí sinh huyện Tân Phú Đông sẽ được hưởng chính sách đặc thù trong tuyển sinh Đại học, Cao đẳng. Ảnh: Vân Anh
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Ảnh: Vân Anh

Trước hết, muốn đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước ta thì phải khắc phục nhanh chóng, triệt để những khuyết điểm sau đây:

1. Bệnh chạy theo thành tích

Mấy năm trước, chúng ta đã có cuộc vận động chống bệnh thành tích trong giáo dục hẳn hoi, nhưng thực hiện chưa triệt để và hiện nay có nhiều biến tướng hết sức nguy hiểm. Những con số về tỷ lệ chất lượng giáo dục cao ngất ngưởng. Áp lực thi đua, thành tích đổ lên đầu người dạy, người học, người quản lý. Dạy học bằng phương pháp nhồi nhét kiến thức để đi thi, để đậu nhiều. Dạy theo lối thực dụng, lệch lạc, miễn sao học sinh qua được các kỳ thi.

2. Kiểm tra, thi cử, đánh giá chưa khoa học

Trong giáo dục phổ thông, giáo viên đều ngấm ngầm hiểu rằng “thi cử thế nào, dạy như thế đó”. Đề kiểm tra, đánh giá, nhất là những môn khoa học xã hội phần lớn là tái hiện kiến thức, có đáp án từng ý nhỏ, biểu điểm chi li, triệt tiêu tính sáng tạo của người học.

Kiểm tra theo tiêu chí người học có thuộc bài không, có nắm chắc chuẩn kiến thức không, chứ không quan tâm đến khả năng tư duy, sự sáng tạo, phương pháp tiếp cận tri thức… Những nội dung không nằm trong chương trình thi, thậm chí những môn không thi, không phải học sinh mà ngay cả giáo viên và Ban Giám hiệu nhà trường cũng ít quan tâm.

3. Đổi mới phương pháp dạy học chưa đồng bộ, hiệu quả

Mấy mươi năm qua nền giáo dục nước ta thực hiện đổi mới phương pháp dạy học. Dạy học tích cực, dạy học hướng trung tâm vào người học… Rồi ứng dụng các thành tựu phương pháp dạy học của nước ngoài. Tuy nhiên, có thể nói, phương pháp dạy học của chúng ta hiện nay chưa được đổi mới bao nhiêu.

Sự chỉ đạo về đổi mới phương pháp dạy học của các cấp quản lý chưa sâu sát. Với cơ chế đánh giá, thi đua của ngành Giáo dục nói riêng và xã hội ta nói chung, chúng ta cứ chạy theo thành tích trước mắt, còn phương pháp đạt được thành tích ấy thì không quan tâm, thậm chí dùng đến phương pháp nhồi nhét kiến thức cho người học như đã nói ở trên.

4. Đội ngũ giáo viên còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ

Nếu giáo viên, những người quyết định vận mệnh nền giáo dục không đổi mới thì đừng bao giờ hy vọng nền giáo dục sẽ đổi mới. Đội ngũ giáo viên chúng ta hiện nay còn nhiều người yếu kém, chưa đủ chuẩn để đứng trên bục giảng, mặc dù bằng cấp, chứng chỉ sư phạm đầy đủ, có thâm niên giảng dạy.

Nguyên nhân nào như vậy thì có rất nhiều. Từ ảnh hưởng cơ chế quản lý nhân sự, quy trình đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chế độ lương bổng… Thực tế, hiệu trưởng nhà trường muốn loại một giáo viên yếu về tay nghề ra khỏi nhà trường không phải là một chuyện đơn giản.

Chất lượng giáo viên mới ra trường hiện nay có vấn đề, nhất là những trường đại học ở tỉnh có đào tạo sư phạm. Nhiều sinh viên sư phạm khi ra trường kiến thức chưa tốt, phương pháp giảng dạy, giáo dục chưa tốt, kỹ năng sống cũng chưa tốt. Thầy không giỏi thì khó dạy cho trò giỏi.

Hiện nay có tình trạng các trường đào tạo ngành Sư phạm một cách ồ ạt, tự phát. Bộ GD&ĐT không quản lý được kế hoạch đào tạo. Các sở, các phòng GD&ĐT không có nhu cầu nhận giáo viên mới, vậy mà hàng năm vẫn có hàng trăm, hàng ngàn giáo viên mới về xếp hàng nộp đơn xin việc. Xảy ra lắm chuyện nhiêu khê, tiêu cực.

Cuối cùng, học sư phạm xong, thất nghiệp hoặc đi làm nghề khác, trái với chuyên môn được đào tạo. Hậu quả sau cùng là học sinh giỏi chẳng bao giờ thi vào ngành Sư phạm nữa, vì cơ hội việc làm không có.

5. Cơ sở vật chất, ngân sách đầu tư cho giáo dục còn thấp so với nhu cầu thực tế của ngành (mặc dù rất cao so với GDP đất nước)

Trường lớp nhiều nơi còn thiếu, trang thiết bị dạy học nghèo nàn, kinh phí hoạt động giáo dục eo hẹp. Vùng nào kinh tế phát triển thì còn huy động được sức dân theo kiểu “xã hội hóa giáo dục”, vùng nghèo thì đành chịu. Việc phân luồng học sinh sau bậc THCS là điều rất khó.

Các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề, các trung tâm kỹ thuật tổng hợp, dạy nghề tồn tại một cách cầm chừng. Tư tưởng “trọng thầy khinh thợ” vẫn còn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ nhân dân.

6. Chương trình sách giáo khoa khá nặng nề, việc phân bố chương trình rất máy móc, cứng nhắc.

7. Xã hội ta hiện nay tồn tại một nghịch lý: Người được học hành đến nơi đến chốn tốn không biết bao nhiêu tiền của, nhưng khi ra trường khó xin việc làm và phần lớn là tiền lương không đủ sống (nhất là những ngành Khoa học xã hội và Nhân văn hoặc làm cán bộ, nhân viên Nhà nước).

Một giai đoạn nào đó, nếu thu nhập của người có trình độ gấp 5, gấp 10 lần thu nhập của người lao động chân tay thì chắc chắn người dân sẽ thi đua học tập và học rất hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu nhân lực có chất lượng cao của xã hội.

PHAN NGỌC THANH

.
.
.