Thứ Tư, 19/03/2014, 15:40 (GMT+7)
.

Ngân hàng tìm giải pháp khơi thông vốn tín dụng

Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN). Ảnh: Huy Thắng
Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN). Ảnh: Huy Thắng

Tại cuộc họp báo thường kỳ của NHNN mới đây, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết tính đến ngày 13/3, tín dụng vẫn tăng trưởng âm 1,05% so với cuối năm 2013. Tuy nhiên, nếu tính từ đầu tháng 3 tới nay, tín dụng đã tăng 0,13% sau 2 tháng giảm liên tục trước đó.

Tăng trưởng tín dụng âm: Nguyên nhân nào?

Ông Trần Xuân Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho biết từ đầu năm tới giờ tốc độ tăng trưởng huy động vốn của các ngân hàng thương mại vẫn cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng (BIDV tăng trưởng 1,6% trong khi huy động vốn tăng 2%, dẫn đến dư thừa thanh khoản).

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, ông Cao Sỹ Kiêm (nguyên Thống đốc NHNN, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ) khẳng định, việc tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm khá thấp một phần do yếu tố thời vụ, thời gian đầu năm các doanh nghiệp thường vay vốn chưa nhiều.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đến những khó khăn của tình hình sản xuất kinh doanh khiến xu hướng co cụm hoặc e ngại vay vốn, mở rộng đầu tư của doanh nghiệp, dẫn đến các ngân hàng dư thừa thanh khoản. 

Dưới góc độ đại diện các DNVVN, ông Cao Sỹ Kiêm vẫn đánh giá cao việc hạ lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của NHNN nhằm tăng thêm cơ hội tiếp cận vốn vay cho DNVVN thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng, tuy lãi suất đã giảm, nhưng vẫn còn cao, bên cạnh đó, vấn đề của nhiều doanh nghiệp vẫn là giải quyết hàng tồn kho. Do đó, việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cần có sự phối hợp đồng bộ, chứ không chỉ nỗ lực của riêng ngành ngân hàng.

Ví dụ với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, cần phối hợp để tăng thêm sản phẩm, tạo nguồn cung cho thị trường, giải quyết các vướng mắc về thủ tục pháp lý, các vấn đề về tài sản thế chấp, chuyển nhượng theo thời gian, đối tượng cho vay…

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, nhận định việc hạ trần lãi suất huy động là cơ sở để các NHTM hạ lãi suất cho vay, thúc đẩy tín dụng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất với các NHTM và doanh nghiệp hiện tại không chỉ là lãi suất (có món vay của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt lãi suất chỉ 6%). Vì nhìn rộng ra kinh tế vĩ mô, quan trọng là nhu cầu tiêu dùng phải tăng lên, qua đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp vay nhiều hơn. Như vậy cũng cần có chính sách kích thích tài chính công, khuyến khích thị trường phát triển.

Đẩy mạnh tín dụng lĩnh vực ưu tiên

Ông Nguyễn Tiến Đông, Phó Tổng Giám đốc Agribank. Ảnh:Huy Thắng
Ông Nguyễn Tiến Đông, Phó Tổng Giám đốc Agribank. Ảnh:Huy Thắng

Dù tín dụng 3 tháng tăng trưởng âm, nhưng bà Nguyễn Thị Hồng khẳng định năm nay, NHNN vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 12-14%. Trong những tháng tiếp theo, NHNN tiếp tục tập trung các giải pháp tăng trưởng tín dụng, vẫn kiên trì mục tiêu tăng trưởng từ 12-14%.

NHNN cũng thông báo chỉ tiêu cho các tổ chức tín dụng, điều chỉnh phù hợp, đảm bảo chất lượng tín dụng; triển khai tái cơ cấu các tổ chức tín dụng; triển khai Đề án xử lý nợ xấu thông qua Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

NHNN tiếp tục chỉ đạo tập trung vốn cho 4 lĩnh vực: Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; doanh nghiệp vừa và nhỏ; nông nghiệp; cho vay tạm trữ lúa gạo vụ Đông Xuân.

Nhấn mạnh lĩnh vực tín dụng nông nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Agribank Nguyễn Tiến Đông cho biết tính đến 28/2/2014, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn, nông dân của Agribank đạt 376.058 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 71,7%/tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank, tốc độ tăng trưởng  đạt gần 20% so với cùng kỳ năm trước.

Agribank tiếp tục bám sát chỉ đạo điều hành của NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2014 theo Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15/1/2014, trong đó có giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.

Ngay từ hôm nay (18/3), Agribank triển khai lãi suất cho vay mới theo mặt bằng mà Chính phủ, NHNN chỉ đạo đối với 5 lĩnh vực ưu tiên nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DNVVN... ở mức 8%/năm, giảm 1%/năm; riêng cho vay ứng dụng công nghệ cao và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp lãi suất tối đa là 7%/năm.

Agribank sẽ lựa chọn một số chương trình trọng điểm để hạ lãi suất 7%/năm. Việc hạ lãi suất vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đồng thời tạo cơ hội cho khách hàng có thể mở rộng đầu tư theo chiều sâu để nâng cao chất lượng chế biến... tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh, hạ giá thành đầu vào, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ hàng hóa xuất khẩu.

TS. Cao Sỹ Kiêm cho rằng, NHNN cần sớm đưa ra các gói sản phẩm tín dụng nông nghiệp để khắc phục những bất cập hiện tại. Điểm vênh nhau hiện nay là ở chỗ ngành nông nghiệp sản xuất theo thời vụ, chu kỳ cây, con… còn tín dụng thường theo cơ cấu nguồn vốn, số lượng vốn. Thế nên có trường hợp chưa đến kỳ thu hoạch thì ngân hàng đã thu nợ, khiến nông dân phải bán lúa non hoặc vay lãi cao để trả nợ.

Ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng cần cho vay theo chuỗi liên hoàn (từ khâu sản xuất - thu hoạch - bán hàng thu tiền về), sau đó, ngân hàng lại cho vay theo hình thức thu nợ khâu trước rồi vay khâu tiếp theo.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.