Thứ Sáu, 21/03/2014, 14:10 (GMT+7)
.

Vì sao số vụ cháy trên địa bàn huyện Cai Lậy và Cái Bè tăng?

Trong năm 2013, trên địa bàn huyện Cai Lậy và huyện Cái Bè xảy ra 14 vụ cháy, chiếm trên 40 % số vụ cháy xảy ra trên địa bàn tỉnh và tăng 10 vụ so với cùng kỳ năm 2012; số người chết tăng 1 người, bị thương tăng 2 người, thiệt hại tài sản 2,1 tỷ đồng, trong đó, địa bàn xảy ra cháy tập trung nhiều ở nông thôn - chiếm 78%.

Hiện trường vụ cháy phụ tùng ô tô ở  TT Cai Lậy.
Hiện trường vụ cháy phụ tùng ô tô ở TT Cai Lậy.

Để hạn chế thấp nhất số vụ cháy, nổ trên địa bàn 2 huyện Cai Lậy và Cái Bè, ngay từ đầu năm 2013, Chỉ huy phụ trách địa bàn đã tham mưu Ban Chỉ huy Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (CS PCCC và CNCH) xây dựng nhiều kế hoạch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường công tác kiểm tra và xử lý.

Đã tổ chức 8 cuộc tuyên truyền trực tiếp cho cán bộ công chức và nhân dân, có 246 lượt người dự; tuyên truyền lưu động 310 cuộc tại các chợ, trung tâm thương mại, cụm công nghiệp, cơ sở xay xát, khu dân cư và trường học. Tổ chức 2 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho 59 đội viên PCCC và cấp 59 giấy chứng nhận nghiệp vụ theo quy định tại Thông tư 04 của Bộ Công an.

Duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, phúc tra an toàn về PCCC tại 382 cơ sở. Lập 382 biên bản kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp khắc phục 156 lỗi vi phạm, thiếu sót như: hệ thống điện không đảm bảo an toàn, chưa mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, chưa lập phương án chữa cháy theo quy định, vệ sinh công nghiệp chưa đảm bảo; đốt nhang, đèn, thờ cúng tại khu vực sản xuất, kinh doanh, phương tiện chữa cháy chưa đầy đủ…

Xử lý hành chính 10 trường hợp vi phạm về an toàn PCCC; xây dựng mới 35 đội PCCC cơ sở và đội PCCC dân phòng; củng cố, nâng chất 10 đội PCCC dân phòng.

Qua phân tích, đánh giá nguyên nhân số vụ cháy gia tăng, Đại úy Nguyễn Phương Tâm - Đội trưởng Đội PCCC và CNCH khu vực Cai Lậy - Cái Bè cho biết: 2 huyện Cai Lậy và Cái Bè hiện có 300 cơ sở sản xuất có nguy cơ cháy nổ cao, trong đó có 155 nhà máy xay xát, lau bóng gạo và cơ sở sản xuất có liên quan đến sản phẩm từ hạt lúa.

Qua kiểm tra thực tế cho thấy, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về PCCC của các chủ cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế. Trong tổng số 14 vụ cháy thì đã có đến 9 vụ khi cháy xảy ra tại cơ sở không bố trí người trực nên không phát hiện kịp thời.

Cụ thể như vụ cháy xảy ra vào lúc 4 giờ 10 phút ngày 3-5-2013, tại xưởng tái chế nhựa của ông Cao Văn Hậu, ngụ ấp Tân Thanh, xã Tân Hội, huyện Cai Lậy. Khi cháy xảy ra, người của cơ sở không hề hay biết. Trong khi đó, người dân đi đường phát hiện, đã thông báo cho Đội CS PCCC Cái Bè. Rất may, vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng tài sản bị thiệt hại trị giá hơn 500 triệu đồng. Nguyên nhân gây cháy được xác định là do sự cố về điện.

Tuy nhiên, xem xét từ thực tế, thì trong các vụ cháy xảy ra do sự cố điện, còn có phần do chủ cơ sở lơ là, chủ quan, chưa quan tâm đúng mức đến hệ thống điện. Trường hợp này thường xảy ra tại các nhà máy xay xát và lau bóng gạo. Hệ thống điện và các thiết bị phục vụ sản xuất không được kiểm tra định kỳ, bảo dưỡng thường xuyên.

Vụ cháy xảy ra vào lúc 23 giờ 30 phút ngày 6-3-2013, tại Công ty TNHH Huyền Trinh (nhà máy xay xát, ở ấp 3, xã Tân Bình, huyện Cai Lậy) do bà Trần Thị Diệu Huyền làm Giám đốc là một điển hình. Nguyên nhân vụ cháy được cơ quan chức năng xác định là do ổ bi của trục buli truyền lực quay băng tải gàu bị khô dầu bôi trơn. Khi hoạt động, các viên bi bị ma sát, sinh nhiệt bắt vào bụi trấu gây cháy. Hậu quả của vụ cháy đã làm thiệt hại 1 bồ đài xay xát và 1 mô tơ 5HP, trị giá 20 triệu đồng.

Hiện trường 1 vụ cháy ở xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy.
Hiện trường 1 vụ cháy ở xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy.

Hay như vụ cháy xảy ra lúc 17 giờ 30 phút ngày 12-2-2014, tại lò sấy lúa “Tùng Phú Cường” (thuộc ấp 6, xã Phú Cường, huyện Cai Lậy) do anh Đoàn Thanh Tùng làm chủ. Vụ cháy đã làm thiệt hại tài sản gồm: sàn biến tầng, hệ thống lưới sấy, thùng chứa lúa, lò đốt, 1 quạt hút, 2 bồ đài, 2 vít tải 6m, 43 tấn lúa thơm, 90m dây điện. Tài sản thiệt hại trị giá 2,2 tỷ đồng. Nguyên nhân là do lỗi kỹ thuật hệ thống sấy lúa gây cháy.

Đại úy Nguyễn Phương Tâm khuyến cáo: Mọi người nên quan tâm hơn đến hệ thống điện tại gia đình và cơ sở sản xuất của mình. Cần cải tạo và nâng cấp mạng điện cho phù hợp với công suất tiêu thụ điện; thay thế các dây dẫn điện cũ. Tách riêng hệ thống điện sản xuất, chiếu sáng, bảo vệ, kinh doanh, sinh hoạt, chữa cháy thành từng hệ thống riêng biệt. Lắp các thiết bị bảo vệ hiện đại, tự hoạt động chính xác khi có sự cố xảy ra.

Thường xuyên kiểm tra hệ thống dây chuyền, công nghệ sản xuất tại cơ sở sao cho thật đảm bảo tính chính xác giữa các bộ phận, tránh để phát sinh nguồn nhiệt và điều kiện cháy, nổ dễ phát sinh. Đối với các cơ sở thuộc diện phải duyệt thiết kế về PCCC thì phải trình và được đơn vị CS PCCC và CNCH thẩm duyệt trước khi xây dựng; phải tuân thủ các quy định, quy chuẩn của Nhà nước về PCCC, trong đó phải chú ý đến khoảng cách an toàn về PCCC, ngăn cháy, lối thoát nạn, việc trang bị, lắp đặt hệ thống PCCC phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.

Đối với các cơ sở đã hoạt động lâu năm, chưa có hệ thống PCCC hoàn chỉnh hoặc hệ thống đã bị hư hỏng thì cần thiết kế, lắp đặt mới, cải tạo trang thiết bị bổ sung sao cho phù hợp với quy định và đảm bảo hiệu quả trong thực tế. Chú trọng xây dựng tường ngăn cháy giữa khu vực sản xuất với kho hàng hóa và khu vực sấy, chứa vỏ trấu.

ĐẶNG THANH

.
.
.