Thứ Năm, 04/05/2017, 06:32 (GMT+7)
.
"Xốc" vào nông nghiệp

Bài cuối: Nhìn lại để đi tới

Bài 1: Cách làm cũ - kịch bản cũ
Bài 2: Hiệu quả từ các chính sách?
Bài 3: "Bài toán" nông nghiệp công nghệ cao
Bài cuối: Nhìn lại để đi tới

Nhiều nhóm ngành Nông nghiệp (NN) hiện được đánh giá có tiềm năng, cơ hội rất lớn nhưng chưa được khai thác hết. Đánh giá đúng thực trạng, khai thác đúng tiềm năng của ngành NN là vấn đề cốt lõi hiện nay. Đó cũng là một trong những mục tiêu được đặt ra trong Đề án Tái cơ cấu ngành NN vừa được thông qua.

 Nếu chỉ nhìn ở khía cạnh rau quả xuất khẩu (XK) thời gian gần đây mới thấy hết được cơ hội và sự tiến triển của nhóm mặt hàng này. Số liệu nghiên cứu và đánh giá của Bộ môn Nghiên cứu thị trường (Viện Cây ăn quả miền Nam) cho thấy, trong hơn 15 năm qua, XK rau quả liên tục tăng và trở thành một trong những sản phẩm có mức tăng trưởng mạnh của ngành. Điều đặc biệt là giá trị XK rau quả khá ổn định trong khi một số nhóm sản phẩm khác cũng tăng trưởng nhưng theo kiểu “lúc cao lúc thấp”. Số liệu cụ thể cho thấy, trong năm 2016, XK rau quả cả nước đạt hơn 2,4 tỷ USD, tăng hơn 33% so với năm 2015. Đây là kết quả ấn tượng và được duy trì trong nhiều năm. “Tất nhiên, để đạt được con số ấn tượng như thế là kết quả nỗ lực trong nhiều năm của các bộ, ngành, viện, trường và doanh nghiệp trong việc mở cửa các thị trường tiêu thụ, việc nghiên cứu ra nhiều giống mới đưa vào sản xuất và nhiều mô hình đạt chứng nhận VietGAP”- TS. Lương Ngọc Trung Lập, Trưởng Bộ môn Nghiên cứu thị trường, đánh giá.

Sản phẩm NN sạch, an toàn là hướng đi bắt buộc đối với ngành NN.
Sản phẩm NN sạch, an toàn là hướng đi bắt buộc đối với ngành NN.

Điều đặc biệt trong cơ cấu XK rau quả là rau củ thường chiếm tỷ lệ nhiều hơn quả nhưng năm 2016 thì ngược lại. Cụ thể trong năm 2016, nhóm quả XK đạt gần 1,78 tỷ USD, chiếm đến 2/3 trong khi những năm trước đây chỉ chiếm từ 40 - 50%. Giá trị trái cây XK tăng cao một mặt là nhờ mở cửa được một số thị trường khó tính nên giá trị XK mang về cao dù số lượng ít, bên cạnh một số nhóm hàng có sự tăng trưởng rất cao. Điểm sáng nhất là XK thanh long. Thanh long trở thành một trong những mặt hàng XK chủ lực của ngành NN nói chung và trái cây nói riêng với gần 900 triệu USD, chiếm khoảng 50% giá trị XK trái cây, tăng gần 70%. Tiếp đến là sầu riêng đạt khoảng 112 triệu USD, tăng 304%; dưa hấu đạt trên 100 triệu USD, tăng 560%; nhãn 230 triệu USD, tăng 110%; xoài gần 70 triệu USD, tăng gần 70% và điểm nhấn mới là XK mận đạt khoảng 5 triệu USD... Đối với nhóm rau củ XK chủ yếu là ớt, khoai lang, ngô... với khoai lang chiếm tỷ trọng lớn và tăng khoảng 137%.

Theo phân tích của các chuyên gia, trong cơ cấu thị trường XK nông sản nói chung, rau quả nói riêng, thị trường châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan...) chiếm đến 2/3 với điểm nhấn là thị trường Trung Quốc. Nhìn lại thực tiễn XK có thể thấy rằng, mặc dù nông sản đã mở cửa một số thị trường khó tính như: Mỹ, Australia nhưng số lượng và giá trị XK vào các thị trường này không lớn. Bởi rau quả của Việt Nam mang tính nhiệt đới nên rất khó bảo quản, khó vận chuyển đi xa. Theo TS. Lập, cũng nên nhìn nhận một cách công bằng rằng, mặc dù thị trường Trung Quốc có biến động nhưng là thị trường có sức tiêu thụ rất lớn nông sản Việt Nam. Ngành rau quả của Việt Nam ngày càng bị phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và đây được xem là thị trường “cứu cánh” cho ngành NN nói chung và rau quả nói riêng vì nền sản xuất trong nước còn quá nhỏ lẻ, trình độ sản xuất còn quá thấp, trong khi giá thành lại cao. “Việt Nam có nhiều lợi thế, nhất là giáp đường biên giới với Trung Quốc, tại sao chúng ta không khai thác thị trường to lớn này một cách hiệu quả. Trong khi đó, các thị trường khó tính dù có giá bán tốt nhưng số lượng tiêu thụ rất ít và rất ít sản phẩm của Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn của các thị trường này. Ngay cả thị trường châu Âu cũng chỉ chiếm chưa đến 4% lượng rau quả XK, Mỹ chiếm 3,4%, Australia 1,1%”- TS. Lập phân tích.

Theo Kế hoạch của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành ngày 13-3-2017 nhằm triển khai Đề án “Tái cơ cấu ngành NN Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, trong giai đoạn 2017 - 2020, ngành sẽ tập trung vào một số nội dung trọng tâm: Vùng Kinh tế - đô thị Trung tâm sẽ thực hiện tái cơ cấu cây thanh long, cây rau; gà ác, chim cút, nuôi cá bè và hình thành, đưa vào hoạt động Khu NN ứng dụng CNC. Vùng Kinh tế - đô thị phía Đông sẽ chú trọng vào lúa đặc sản, cây rau, mãng cầu Xiêm, gà thả vườn, vịt biển, tôm, nghêu theo hướng sản xuất hàng hóa và XK. Vùng Kinh tế - đô thị phía Tây sẽ chú trọng phát triển cây lúa chất lượng cao; cây xoài, sầu riêng, khóm, thanh long; hình thành khu chăn nuôi tập trung với diện tích 200 ha tại xã Thạnh Hòa, huyện Tân Phước...

Mặc dù đạt được những con số ấn tượng về XK rau quả trong thời gian qua nhưng dường như vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của ngành NN. Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu nhìn vào cơ cấu, số lượng doanh nghiệp mới thấy, các doanh nghiệp XK hàng đầu trong lĩnh vực trái cây đều của tư nhân, chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ hoặc siêu nhỏ.

Trong khi đó, sự liên kết giữa các doanh nghiệp XK cũng chưa chặt chẽ nên rất khó nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như quản lý được chất lượng nguyên liệu. Thực tế cũng cho thấy, hầu như doanh nghiệp chưa chú ý đầu tư vào vùng nguyên liệu để đảm bảo đầu ra mang tính ổn định. Tiềm năng XK rau quả của Việt Nam vẫn còn rất lớn, chẳng hạn như đối với mặt hàng chủ lực là thanh long hiện đã có đến 40 thị trường tiêu thụ nhưng điều quan trọng là phải tự nâng cao được chất lượng để đáp ứng yêu cầu của từng thị trường, đẩy mạnh XK. Chính khâu tổ chức sản xuất trong nước dẫn đến thực tế là đầu ra thiếu tính ổn định. Còn khách hàng bao giờ cũng có sự lựa chọn, luôn tìm kiếm nguồn hàng chất lượng cao và rẻ hơn. Trong khi ngành NN trong nước chủ yếu lo sản xuất đem bán, chỉ bán cái mình có, chứ chưa chú ý đến các đối thủ cạnh tranh ở các nước có sản phẩm tương đồng, cùng chủng loại.

Nghị quyết về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng của tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 10-NQ/TU) vừa được triển khai thực hiện đã nhấn mạnh, ngành NN sẽ tập trung liên kết phát triển theo quy mô diện tích và chuỗi giá trị có thương hiệu hàng hóa, đủ sức cạnh tranh, mở rộng thị trường trên cơ sở triển khai có hiệu quả Đề án “Tái cơ cấu ngành NN Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” và Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”...

Khi đề cập đến định hướng phát triển NN trong thời gian tới, ông Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh: NN sạch, an toàn là con đường bắt buộc trước khi tính đến sản xuất NN ứng dụng CNC. “Thủy sản, trái cây, sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực của tỉnh đảm bảo an toàn chắc chắn thị trường TP. Hồ Chí Minh sẽ tiêu thụ hầu hết sản phẩm của Tiền Giang. Với lượng tiêu thụ rất lớn, thị trường TP. Hồ Chí Minh sẽ giải quyết “bài toán” đầu ra cho nông sản Tiền Giang”- ông Trần Thanh Đức nhấn mạnh như thế...

PHƯƠNG ANH

.
.
.