.

Nguy cơ hàng Trung Quốc "đội lốt" Việt Nam né thuế Mỹ

Cập nhật: 22:04, 24/10/2018 (GMT+7)

Việt Nam có nguy cơ trở thành đối tượng đánh thuế của Mỹ lên hàng hóa nếu để hàng hóa Trung Quốc chuyển tải sang lấy xuất xứ. Đồng thời, thị trường nội địa cũng có nguy cơ trở thành nơi hấp thụ hàng hóa Trung Quốc tồn dư do không xuất khẩu được sang Mỹ.

Các chuyên gia đã phân tích về tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung với doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Minh Tâm
Các chuyên gia đã phân tích về tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung với doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Minh Tâm

Các nguy cơ lẫn cơ hội và những khuyến nghị cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp đã được chia sẻ tại hội thảo “Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Triển vọng và rủi ro với doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam” do Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TP. Hồ Chí Minh (CIIS) và Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức hôm nay, 24-10 tại TP. Hồ Chí Minh.

Tránh lặp lại bài học của thép

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Trường Đại học Fulbright Việt Nam nhận định, nếu chỉ nhìn vào thương mại, không nhìn rộng hơn về kinh tế và chính trị thì Việt Nam là quốc gia còn lại trong năm nước đang xuất siêu vào Mỹ chưa bị “tấn công” bằng các chính sách thuế. Tất nhiên, kim ngạch của Việt Nam nhỏ nhưng không có nghĩa là không có nguy cơ.

Với cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra, ông Thành cho rằng, một trong những tác động có thể nhận thấy là hàng Trung Quốc sẽ chuyển sang Việt Nam để xuất đi Mỹ, tránh việc chịu thuế cao bằng cách thông qua một công ty tại Việt Nam. Do vậy, Việt Nam cần kiểm soát tốt việc chuyển tải hàng hóa để tránh tạo thành cơn cớ cho Mỹ “tấn công”.

Câu chuyện của mặt hàng thép bị trừng phạt thuế 450% vào năm ngoái là một bài học cần ghi nhớ. Và các mặt hàng có lợi thế xuất khẩu, thế chân hàng Trung Quốc như nội thất, thủy sản, da (vali, túi xách) lại tiềm ẩn rủi ro bị chuyển tải hàng hóa nhiều nhất.

“Năm ngoái, tôi tiếp đoàn của Bộ Thương mại Mỹ đến Việt Nam về vụ thép. Các quan chức của bộ này rất bức xúc và có những cáo buộc về chuyển tải hàng hóa. Họ cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tay”, ông Thành chia sẻ thêm.

Ông Thành lưu ý, hiện đã có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký đầu tư vào Việt Nam nhưng đây là dạng FDI giả vờ để đưa hàng vào, lấy xuất xứ. Và với Mỹ, kể cả trong trường hợp là có chế biến, chế tạo nhưng không áp dụng công nghệ thì cũng bị coi là hàng chuyển tải. Và vấn đề là không chỉ một doanh nghiệp bị đánh thuế mà cả ngành bị áp thuế.

Ông Thành khuyến nghị, các cơ quan quản lý như hải quan cần phải kiểm tra, kiểm soát chặt để tránh nguy cơ này cho Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách thuộc Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội bổ sung thêm, Mỹ hoàn toàn dự tính được việc Trung Quốc tuồn hàng sang nước thứ ba để xuất đi nên đã có Luật Thuế chống lẩn tránh và có cách để “lần” được dòng hàng. Do vậy, các nước thứ ba, có nguy cơ bị Trung Quốc chuyển tải hàng hóa như Việt Nam cần phải chuẩn bị về việc trình bày xuất xứ hàng hóa một cách chặt chẽ.

Doanh nghiệp cần ý thức

Tiến sĩ Trần Du lịch, Phó Chủ tịch VIAC cho rằng, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung như thế này, nếu doanh nghiệp làm kiểu nhập khoai tây Trung Quốc về rồi cho nhuộm đất Đà Lạt để biến thành khoai tây Đà Lạt thì sẽ làm hại cả quốc gia.

Ông Lịch cho rằng, với nguy cơ kể trên thì doanh nghiệp phải ý thức về việc này, không vì lợi trước mắt mà tiếp tay, làm ảnh hưởng đến cả nền kinh tế. Doanh nghiệp cũng cần hợp tác với nhau trong chuỗi cung ứng.

Còn về phía Nhà nước, việc trước mắt có thể làm ngay là xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn về xuất xứ hàng hóa để doanh nghiệp căn cứ vào đó tuân thủ và cơ quan quản lý tự kiểm tra. Đây vừa là cách chủ động trước khi “người ta” vào kiểm tra, vừa là việc cần thiết trong bối cảnh thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Căn cơ hơn, theo ông Lịch, vẫn là phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ để tăng tỷ lệ nội địa cũng như tăng tính minh bạch cho xuất xứ hàng hóa nhằm thực hiện các FTA.

Trao đổi riêng với TBKTSG Online, ông Nguyễn Văn Cần, Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển, Tổng công ty 28, chuyên các sản phẩm may mặc cho rằng, với việc đang phải nhập khẩu từ 60 - 70% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc để làm hàng xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp trong ngành may mặc sẽ chịu ảnh hưởng nếu Mỹ đánh thuế vào các mặt hàng may mặc, giày dép Trung Quốc. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị giải trình, chứng minh về nguyên liệu hay bán thành phẩm. Xa hơn là tìm kiếm nguồn nguyên liệu từ các thị trường khác, ngoài Trung Quốc và tăng năng lực tự chủ.

Áp lực cạnh tranh từ hàng Trung Quốc giá rẻ

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, nhìn vào những mặt hàng Trung Quốc bị áp thuế ở đợt thứ ba mà Mỹ thông báo thì có ba nhóm mặt hàng chính của Việt Nam đang có cơ hội xuất khẩu nhiều hơn vào Mỹ.

Thứ nhất là các sản phẩm hàng tiêu dùng như gỗ nội thất. Đây là mặt hàng Trung Quốc đang xuất khẩu vào Mỹ với kim ngạch trên 32 tỉ đô la/năm còn Việt Nam hiện là 4,6 tỉ đô la. Do vậy, cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tăng thêm là có. Tất nhiên, hàng Việt Nam cũng phải cạnh tranh với hàng từ các nước khác như Đức, Ý, Canada…

Các doanh nghiệp sản xuất đồ dùng gỗ, vừa có thể hưởng lợi, vừa chịu tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Ảnh minh họa: Minh Tâm
Các doanh nghiệp sản xuất đồ dùng gỗ, vừa có thể hưởng lợi, vừa chịu tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Ảnh minh họa: Minh Tâm

Nhóm thứ hai là sản phẩm từ da nhưng chủ yếu là vali, túi xách, không có giày dép (vì Mỹ chưa đánh thuế mặt hàng này). Hiện Trung Quốc đang xuất sang Mỹ 7 tỉ đô la hàng hóa này và Ngân hàng Thế giới ước tính kim ngạch của nhóm này sẽ giảm khoảng 1,9 tỉ đô la khi việc áp thuế có hiệu lực. Và đây là cơ hội cho Việt Nam gia tăng kim ngạch, vốn đang ở mức 1,1 tỉ đô la như hiện nay.

Nhóm thứ ba là sản phẩm nông nghiệp, nông sản chế biến. Các mặt hàng này từ Trung Quốc sẽ chịu thuế 10 - 25%. Trong số này thì các mặt hàng thủy sản sẽ chịu tác động mạnh nhất, giảm kim ngạch khoảng 700 triệu đô la. Nhưng Việt Nam chỉ có thể khai thác được phần kim ngạch giảm ở mặt hàng tôm do tương đương về chủng loại xuất sang Mỹ (tôm thẻ chân trắng), còn cá lại không bởi Trung Quốc xuất sang Mỹ chủ yếu là cá rô phi còn Việt Nam xuất cá tra.

Tuy nhiên, ngược lại với tiềm năng gia tăng hàng xuất khẩu thì chính các nhóm hàng trên trong thị trường nội địa lại chịu sức ép nặng nề. Đơn giản là vì Trung Quốc không xuất được sang Mỹ sẽ chuyển xuất sang các thị trường khác ở châu Á, trong đó có Việt Nam.

Các doanh nghiệp ngành nội thất, nông sản, vali, túi xách, thậm chí cả hóa chất, nhựa, gia dụng ở thị trường nội địa sẽ phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ. Vấn đề là, các doanh nghiệp này vốn không có lợi thế cạnh tranh nhiều năm qua.

“Sức ép vì thế sẽ rất lớn”, ông Thành nhận định.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.