.

Vì sao 6.700 người dễ dàng "sụp bẫy" địa ốc Alibaba?

Cập nhật: 21:43, 24/09/2019 (GMT+7)

Lòng tham và tài sản “ảo” là 2 nguyên nhân chủ yếu khiến hơn 6.700 người sụp bẫy với tổng số tiền tạm thời ước tính lên đến 2.500 tỉ đồng.

Sự kiện lãnh đạo Công ty địa ốc Alibaba bị bắt và khởi tố không làm bất ngờ nhiều người theo dõi công ty địa ốc này từ lâu, nhưng vẫn ngạc nhiên với con số thiệt hại, đặc biệt là vì có quá nhiều người “dính bẫy”. Theo kết quả điều tra ban đầu, tính đến ngày 30-6-2019, Công ty Alibaba đã thu được hơn 2.500 tỉ đồng từ việc ký kết hợp đồng bán đất nền cho hơn 6.700 khách hàng.

Bằng cách đưa ra giá bán ban đầu chỉ bằng 50 - 60% so với giá thị trường và cam kết sẽ có "sổ đỏ thổ cư", Alibaba đã dễ dàng thu hút được hàng ngàn khách hàng tham gia mua dự án.

Mẫu hợp đồng quyền chọn mang tính
Mẫu hợp đồng quyền chọn mang tính "sáng tạo" của Alibaba. Nguồn: Vietnamnet

Sau khi ký hợp đồng thoả thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và thanh toán tiền, khách hàng sẽ có quyền lựa chọn giải pháp “kiếm tiền” tiếp theo. Theo đó, Alibaba đưa ra mẫu "hợp đồng quyền chọn" mang đến nhiều lựa chọn cho khách mua, trong đó cam kết thuê lại, mua lại đất dự án của khách hàng với những con số cam kết hấp dẫn. Chẳng hạn như giá thuê lại 2%/tháng trên tổng giá trị trong vòng 12 tháng (chỉ áp dụng cho trường hợp thanh toán 95% giá trị nền đất), hay mua lại với giá chênh lệch cao hơn (30% sau 12 tháng hoặc thậm chí 38% sau 15 tháng).

Nhưng vấn đề còn nằm ở chỗ là tài sản “không có thực” khi các dự án phân lô bán nền này chưa được cấp phép. Lúc này, đất nông nghiệp và dự án “ảo” là công cụ để Alibaba, đơn vị nhận ủy quyền giao dịch từ cá nhân, huy động tiền của khách hàng đến trước và rồi trả cho người đến sau.

Mô hình huy động vốn người trước trả cho người sau có tên gọi riêng là mô hình Ponzi, chắc chắn sẽ “sập” khi dòng tiền "đi vào" không đủ để chi trả cho dòng tiền "đi ra". Không chỉ vậy, Alibaba còn sử dụng hình thức phân phối đa cấp, hay còn gọi là bán hàng trực tiếp thường gặp ở nhiều loại sản phẩm khác nhau. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy qua hình thức khuyến khích chính nhân viên và người thân, người quen của nhân viên mua các sản phẩm của công ty.

Rõ ràng, điểm mấu chốt quan trọng để Alibaba “tung hoành” chính là nhắm vào lòng tham của người mua, chủ yếu là các nhà đầu tư ham lợi nhuận chứ không phải là những người người có nhu cầu thực tế.

Người mua hưởng lãi suất từ một nền đất bán đi bán lại nhiều lần. Nguồn: tuoitre.vn
Người mua hưởng lãi suất từ một nền đất bán đi bán lại nhiều lần. Nguồn: tuoitre.vn

Ngay sau khi lãnh đạo Alibaba bị bắt, mô hình kinh doanh của công ty địa ốc này được “mổ xẻ” nhiều hơn trên mạng xã hội.

Bình luận trên trang cá nhân, T.S Lương Hoài Nam, chuyên gia kinh tế cho rằng trong mô hình Ponzi này, hơn 6.700 người ở trên là “nạn nhân của lòng tham và sự hiểu biết của chính họ”.

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Bá Ngọc chia sẻ rằng mô hình đa cấp bất động sản của Alibaba đã dựa trên thói quen muốn làm ít ăn nhiều của “một bộ phận không nhỏ” người dân. “Dựa trên lòng tham, thứ không bao giờ hết của bất cứ xã hội nào, kể cả thấy chết vẫn lao vào. Ai cũng nghĩ mình sẽ là “người hái quả”, chứ không phải là nạn nhân”, ông Ngọc bình luận.
Lý do để Alibaba đạt được “thành công”, đó là vì hoạt động quản lý phân lô bán nền ở các địa phương trong thời gian qua chưa hiệu quả, và thứ 2 quan trọng không kém là nhờ giá đất vùng ven tăng cao trong giai đoạn này. “Mô hình kinh doanh của Alibaba nhận được tin tưởng của nhà đầu tư, vì có logic và thực tế có lời như thế”, TS. Hiển bình luận.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển chia sẻ rằng có lý do để Alibaba đạt được “thành công”, đó là vì hoạt động quản lý phân lô bán nền ở các địa phương trong thời gian qua chưa hiệu quả, và thứ 2 quan trọng không kém là nhờ giá đất vùng ven tăng cao trong giai đoạn này.

“Mô hình kinh doanh của Alibaba nhận được tin tưởng của nhà đầu tư, vì có logic và thực tế có lời như thế”, TS. Hiển bình luận.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng lại cho rằng cách “lách luật” để huy động vốn trái phép trong lĩnh vực bất động sản của Alibaba không phải là điểm nhấn mới. “Điều quan trọng là Alibaba đã đi xa hơn, bán những thứ không phải của mình, trả lãi cho nhà đầu tư cao ngất ngưỡng như mô hình đa cấp”, ông Hưng bình luận.

Trên thực tế, chuyện cam kết lãi suất không phải là hiếm hoi trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Đơn cử như các trường hợp các nhà phát triển cam kết lợi nhuận với những dự án bán căn hộ nghỉ dưỡng (condotel) vốn rầm rộ trong thời gian qua.

Theo TS. Lương Hoài Nam, mọi hoạt động đầu tư với lợi nhuận kỳ vọng cao hơn lãi suất ngân hàng đều có rủi ro và nhà đầu tư phải tự đặt 2 câu hỏi cho chính mình.

“Mình có thực sự có quyền pháp lý đối với khoản lợi nhận đó không, được thể hiện ở các văn bằng nào? Người chịu trách nhiệm trả khoản lợi nhuận đó cho mình có thực sự đủ năng lực tài chính (nôm na là có đủ tiền) để thực hiện trách nhiệm chi trả đến hạn hay không?”, ông Nam chia sẻ.

Ngày 18-9 vừa qua, cơ quan chức năng đã bắt tạm giam Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện và Tổng giám đốc Nguyễn Thái Lĩnh (em trai Luyện), sau đó khởi tố với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Bước đầu, cơ quan điều tra xác định từ giữa năm 2016, Luyện đã dựng nên địa ốc Alibaba chuyên kinh doanh mua bán, môi giới bất động sản theo hình thức đa cấp, sau đó "vẽ" nên các dự án không có thật và huy động vốn trái phép. Toàn bộ số tiền 2.500 tỉ đồng chiếm đoạt được của khách hàng, Alibaba đã đầu tư mua các lô đất nông nghiệp để lập nên dự án “ma”. Số tiền này còn được dùng để trả lãi cho khách hàng và chi phí hoạt động bộ máy.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.