Lại chuyện xin thôi chức sau khi bị kỷ luật!
Cập nhật: 21:23, 27/06/2020 (GMT+7)
Những ngày qua, câu chuyện Bí thư và Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi gửi đơn xin thôi chức vụ còn nóng hơn cả thời tiết. Dư luận bàn tán, bình luận nhiều về vấn đề xin thôi chức vụ sau khi lĩnh án kỷ luật.
Vi phạm khuyết điểm đến mức cần phải xử lý kỷ luật
Tại kỳ họp thứ 45 từ ngày 1 - 4-6 tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm đã được kết luận tại kỳ họp 44; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên, đã quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đồng chí Trần Ngọc Căng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vì đã có nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài chính ngân sách, dự án đầu tư và công tác cán bộ.
Đồng chí Trần Ngọc Căng (SN 1960, quê huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) từng giữ chức vụ Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trước khi giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi từ năm 2015.
Tiếp đến, ngày 16-6, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị để xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Lê Viết Chữ, Ủy viên Trung Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi.
Bộ Chính trị nhận thấy, đồng chí Lê Viết Chữ chịu trách nhiệm chính về vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ các nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020 và của Ban cán sự Đảng, UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016 trong việc cho chủ trương, quyết định điều động, bổ nhiệm, luân chuyển và giới thiệu cán bộ ứng cử, cử cán bộ, công chức, sinh viên tốt nghiệp đại học của tỉnh đi công tác, học tập ở nước ngoài không đúng tiêu chuẩn.
Theo Bộ Chính trị, những việc làm trên của đồng chí Lê Viết Chữ đã vi phạm quy chế làm việc của Tỉnh uỷ và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Chữ là nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp uỷ, chính quyền địa phương và cá nhân đồng chí đến mức cần phải xử lý kỷ luật nghiêm minh theo quy định của Đảng.
Với hình thức kỷ luật như trên, hai đồng chí đã gửi đơn cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư xin thôi chức vụ, nghỉ hưu theo chế độ và hiện đơn này của hai vị lãnh đạo đang chờ Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, giải quyết.
Thông tin hai đồng chí Lê Viết Chữ và Trần Ngọc Căng xin thôi giữ chức vụ xuất phát từ nguyện vọng cá nhân, nhằm tạo điều kiện để kiện toàn công tác nhân sự cho đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2020 - 2025 tổ chức vào thời gian tới.
Như vậy, có thể nói hai đồng chí cũng đã nghiêm túc tự soi lại mình, thành khẩn tự kiểm điểm những vi phạm khuyết điểm của mình và đặc biệt là uy tín của cán bộ lãnh đạo. Thực tế hiện nay cho thấy, liêm sỉ cán bộ để ở đâu nếu hai đồng chí này còn ở lại là cán bộ chủ chốt của tỉnh còn lãnh đạo ai, nói ai nghe ? Do vậy việc viết đơn xin thôi chức vụ và nghỉ hưu theo chế độ âu cũng là chuyện cực chẳng đã.
Xin thôi chức vụ vì nhiều lý do?
Câu chuyện có lẽ không có gì phải bàn tán, bình luận song nó đã không dừng lại ở đó bởi câu hỏi đặt ra là: Xin thôi chức vụ và nghỉ hưu theo chế độ với nhiều lý do khác nhau nào là lý do cá nhân hay vì sức khỏe không đảm bảo? Theo đơn xin thôi giữ chức vụ của hai đồng chí là xuất phát từ nguyện vọng cá nhân, nhằm tạo điều kiện để kiện toàn công tác nhân sự cho đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2020 - 2025...
Đây không chỉ là ý kiến của cá nhân của hai đồng chí này mà đúng với quan điểm của công tác cán bộ Đảng, nhất là khi mà đại hội đảng bộ tỉnh đã cận kề cần phải lựa chọn cán bộ đủ đức, tài. Theo Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, về công tác nhân sự đặc biệt nhấn mạnh đến "coi trọng phẩm chất, uy tín, kết quả cụ thể”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư khoá XIII phải thật sự là những đồng chí tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác.
Nói tóm lại là phải vừa có đức, vừa có tài, trong đó đức là gốc. Đồng thời không để lọt vào Ban Chấp hành T.Ư khoá XIII những người bản lĩnh chính trị không vững vàng, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cho cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; mị dân, chuyên quyền, độc đoán; trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình; để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc để xảy ra tham nhũng, thất thoát, vụ việc tiêu cực lớn ở địa phương, cơ quan, đơn vị.
Đối chiếu với những chỉ đạo trên, hai đồng chí không đủ tiêu chuẩn cả về tài và đức, phẩm chất và năng lực để làm nhân sự đại hội Đảng. Việc xin thôi chức vụ là có thể chấp nhận được. Nhưng dư luận đặt ra câu hỏi là: Tại sao chỉ khi bị kỷ luật mới đưa ra lý do này và tại sao không xin từ chức?
Trước đó các đồng chí: Võ Kim Cự, Phan Thị Mỹ Thanh, Hồ Văn Năm cũng từng xin thôi làm đại biểu Quốc hội sau khi bị kỷ luật Đảng, giờ đến hai đồng chí Lê Viết Chữ và Trần Ngọc Căng đều làm đơn xin “thôi chức” sau khi bị Đảng kỷ luật và chỉ đơn thuần vì lý do sức khỏe hay là xuất phát từ nguyện vọng cá nhân...
Lý do mà các vị đưa ra là sức khỏe không đảm bảo, dư luận đặt câu hỏi: Tại sao lúc đương chức “chưa bị lộ” lại không đưa ra lý do sức khỏe hay lý do cá nhân để nghỉ sớm trước tuổi, hay vì... chức vụ này khó và nặng, xin từ chức trả lại cho Đảng và Nhà nước???
(Theo dangcongsan.vn)