Thứ Bảy, 15/08/2020, 20:26 (GMT+7)
.

Covid-19 thúc đẩy xu hướng thương mại điện tử

(ABO) Công nghệ phát triển thúc đẩy xã hội phát triển theo, từ đó mô hình kinh doanh cũng có nhiều thay đổi. Trong những năm gần đây, để mua được một món hàng vừa ý không nhất thiết phải đến chợ truyền thống, cửa hàng tiện ích, hay siêu thị, mà chỉ cần một vài cú "lick chuột" là cả một thế giới hàng hóa hiện ra ngay trên màn hình, tha hồ cho người mua lựa chọn, làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng.

Thương mại điện tử sẽ không chỉ có cuộc cạnh tranh về giá mà còn về ưu thế giao hàng. Việc mua hàng và giao hàng ngay trong ngày sẽ là sự cạnh tranh với phương thức thương mại truyền thống mà các nhà cung cấp hàng hóa đang hướng đến. Chính vì vậy, thương mại điện tử đang là xu hướng phát triển, được người tiêu dùng, nhất là giới trẻ ưa chuộng. Nắm bắt xu hướng này, nhiều nhà cung cấp hàng hóa thông qua không gian mạng đã thành lập các trang bán hàng điện tử với nhiều tính năng hỗ trợ người tiêu dùng vượt trội.

Ngày 15-5-2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã ký Quyết định 645 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 là 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm. Từ đó cho thấy, Chính phủ đã rất đề cao vai trò của xu hướng thương mại điện tử.

Trong đại dịch Covid-19, xu hướng thương mại điện tử càng chứng tỏ ưu thế và đã phát huy được tác dụng tích cực. Tổ chức Visa vừa công bố báo cáo cho biết dịch Covid-19 đã ghi nhận số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến ở mức kỷ lục, với trung bình 30 triệu lượt mua hàng trực tuyến được ghi nhận tại Việt Nam mỗi ngày. Cũng theo Visa, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay, việc chuyển sang kinh doanh trực tuyến rất quan trọng đối với các nhà bán lẻ.

aaa
Shipper giao hàng cho người tiêu dùng khi mua hàng trực tuyến. Ảnh: Phi Công

Mặt tích cực của xu hướng thương mại điện tử đã rõ, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, xu hướng thương mại điện tử cũng bộc lộ nhiều khiếm khuyết, nếu không được khắc phục, chấn chỉnh thì sẽ trở thành rào cản cho sự phát triển của xu hướng này. Đó là tình trạng hàng kém chất lượng, hàng không đúng với quảng cáo, không đúng thỏa thuận… vẫn còn xảy ra, khiến cho không ít người tiêu dùng cảm thấy mất niềm tin khi mua hàng trực tuyến.

Theo Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Tiền Giang, trong năm 2019, Hội tiếp nhận 28 đơn thư khiếu nại của người tiêu dùng. Hội đã giải quyết thành công 28/28 trường hợp. Trong đó, Tỉnh hội tiếp nhận 18 trường hợp về việc mua hàng trúng thưởng qua mạng và mua hàng trực tuyến, mua hàng dưới hình thức trúng thưởng nhưng khi nhận hàng không đúng như giới thiệu. Hội đã xác minh và lập biên bản yêu cầu bưu cục ngưng chuyển trả tiền cho người bán và đề nghị bưu cục gốc trả lại hàng và gửi lại tiền cho người tiêu dùng, tổng giá trị hàng hóa hơn 14 triệu đồng.

Do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên người mua hàng trực tuyến tăng cao trong thời gian qua, từ đó số lượng đơn thư khiếu nại cũng tăng. Cụ thể, từ đầu năm 2020 đến nay, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Tiền Giang đã nhận 33 đơn thư khiếu nại về việc mua hàng qua mạng xã hội, nhưng khi nhận hàng không đúng như thỏa thuận. Hội đã xác minh, lập biên bản yêu cầu bưu cục ngưng chuyển trả tiền cho người bán và đề nghị bưu cục gốc trả lại hàng, trả lại tiền cho người tiêu dùng, với tổng giá trị hàng hóa gần 30 triệu đồng.

Rõ ràng thương mại điện tử đang là xu hướng tất yếu và đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy cho xu hướng này phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là để xu hướng thương mại điện tử phát triển bền vững thì các nhà cung cấp hàng hóa cũng phải nâng cao uy tín, chất lượng, đừng vì lợi nhuận trước mắt mà làm ảnh hưởng đến xu hướng phát triển tất yếu.

THIÊN LÊ

.
.
.