Vì cuộc đời không có chữ "nếu"…
Cập nhật: 21:44, 09/10/2020 (GMT+7)
Ước mơ đỗ Đại học Y Hà Nội của Ngô Minh Hiếu có lẽ sẽ không tốn nhiều giấy mực báo chí đến vậy, nếu em không là một tấm gương đầy xúc cảm của tình bạn trong suốt 10 năm qua. Con số 0,25 điểm thiếu của Hiếu đã đột nhiên trở thành ngòi nổ cho những cuộc tranh luận không hồi kết.
Không thể không xúc động trước hình ảnh đôi bạn ấy mỗi ngày tới trường. Cũng không thể phủ nhận tình thương, sự nhiệt thành của một cậu bé đầy hoài bão. Người ta có lý do để nuối tiếc cho Hiếu khi giấc mơ không thành hiện thực vì con số 0,25. Bên cạnh đó, việc 2 người bạn đầy nghị lực phải chia cắt mỗi người mỗi nơi cũng tạo ra những dư vị xót xa.
Hiệu trưởng Đại học Y Dược Thái Bình tiếp đón, tặng quà tân sinh viên Ngô Văn Hiếu khi em Hiếu đến làm thủ tục nhập học - Ảnh: ĐTK |
Ở phương diện nào đó, ước mơ của Hiếu cũng là ước mơ của mỗi người chúng ta. Đó là hình ảnh của những bác sỹ giàu lòng nhân ái, tự tôn, trung thực và sẵn sàng hy sinh vì tình người, vì cái tốt. Sau những vụ án tiêu cực liên quan tới ngành Y, lời thề Hippocrates cùng sự trong sáng, cao cả của chiếc áo blouse trắng đã bị nghi ngờ không ít. Nhiều người có lý do để cho rằng, nếu con số 0,25 đầy khô khan nói trên được bỏ qua, Đại học Y Hà Nội sẽ có một sinh viên tốt, một gương sáng đầy tiềm năng trong tương lai.
Nhưng khác với đôi chân mạnh mẽ hằng ngày cõng bạn đến trường, mỗi bước chân thực trên đường đời không có chữ “nếu”. Khi Hiếu khảng khái nói rằng em sẽ từ chối nếu được đặc cách, đó là quyết định không khiến nhiều người ngạc nhiên. Đó là tâm sự của một chàng trai tự trọng và tin tưởng vào sự công bằng được chính mình tạo nên – điều rất đáng trân quý đối với một người chỉ đang chập chững trước cánh cổng Đại học. Điều mà không nhiều người làm được dù sở hữu bao nhiêu học hàm, học vị đi nữa!
Khi lãnh đạo Đại học Y Hà Nội nói về khoảng cách “của hàng chục thí sinh” dựa trên số điểm 0,25 bị thiếu, đó là sự thật. Đây là giảng đường dành cho những cuộc đua cực kỳ khốc liệt được đảm bảo đầu vào có chất lượng hàng đầu. Tính trung bình hàng năm, đơn vị tính điểm vào Y Hà Nội tối thiểu là 0,05 điểm, nghĩa là so với Hiếu, đã có không ít bạn đã tiến gần hơn mục tiêu mà vẫn không thể đi tiếp.
Một đặc cách cho Hiếu sẽ là tiền lệ nảy sinh rất nhiều tranh cãi về mặt tiêu chuẩn và sự phân cách giữa “lý và tình”. Dù vẫn có những khoảng cách về học lực hay sự đào tạo giữa các địa phương, nhưng nhìn chung, các học sinh điểm cao hơn sẽ cảm thấy khó hiểu và khó “phục” khi bị xếp sau những bạn được “đặc cách” vì bất cứ lý do nào.
Khác với một số trường danh tiếng ở phương Tây, các trường công lập tại Việt Nam vẫn dựa trên khung điểm thi để đánh giá thí sinh. Nghĩa là khi điểm chuẩn đã được công bố, Đại học Y Hà Nội không thể thay đổi kết quả bằng việc tiến hành phỏng vấn trực tiếp, hay yêu cầu thí sinh thể hiện bản thân bằng bài luận cá nhân.
Nếu như Bộ Giáo dục và Đào tạo không hề có bất cứ một tiêu chí nào liên quan tới việc ưu tiên xét tuyển thẳng liên quan tới trường hợp của Ngô Minh Hiếu, tuyên bố từ Đại học Y Hà Nội là đúng luật, và không lạm quyền. Muốn hỗ trợ hay dành đặc quyền cho những người như Hiếu, trước hết ngành Giáo dục còn cần minh bạch, công bằng hơn, cũng như có chế tài phù hợp hơn để không bỏ sót nhân tài cho đất nước.
Không đặc cách cho Hiếu - đó không phải là biểu hiện vô cảm hay thiếu khuyến khích cho tính nhân văn trong xã hội. Trái lại, rất có thể đây sẽ là động lực giúp Hiếu trở lại mạnh mẽ hơn, xứng đáng hơn nữa với ước mơ của chính mình.
Khoảng cách địa lý sẽ không thể chia cắt đôi bạn ấy. Cũng như những khó khăn đầu đời sẽ không thể làm mất đi niềm tin bước tiếp của Ngô Minh Hiếu!
(Theo dangcongsan.vn)