.

Chương trình Sữa học đường: Khó khăn chưa được tháo gỡ kịp thời

Cập nhật: 09:28, 11/10/2020 (GMT+7)

(ABO) Ngày 8-7-2016, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định phê duyệt “Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020” (sau đây gọi tắt là Chương trình Sữa học đường), với mục tiêu nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai.

Chương trình Sữa học đường cũng đã đặt ra chỉ tiêu đến năm 2020, 100% số học sinh mẫu giáo và tiểu học của các huyện nghèo được uống sữa theo Chương trình Sữa học đường; 70% số học sinh mẫu giáo và tiểu học ở vùng thành thị, nông thôn được uống sữa theo Chương trình Sữa học đường…

Tuy nhiên, theo Phó Vụ Trưởng Vụ sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế Trần Đăng Khoa, đến nay mới có 37 tỉnh, thành có kế hoạch triển khai, trong đó 25 tỉnh, thành đã triển khai. Trong số này có 12 tỉnh, thành triển khai toàn bộ các trường mầm non và tiểu học, 13 tỉnh, thành triển khai 1 phần, có tỉnh chỉ triển khai được ở 1 trường.

Do đó đến năm 2020 mới có gần 2,2 triệu trẻ trong độ tuổi tham gia chương trình, chiếm 16% trẻ mầm non và tiểu học toàn quốc. Hiện có tới 26 tỉnh, thành vẫn chưa tìm đâu ra nguồn kinh phí để triển khai.

Đối với tỉnh Tiền Giang, ngày 24-10-2016, UBND tỉnh có Công văn 4834 về việc triển khai thực hiện Chương trình Sữa học đường. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông theo chức năng nhiệm vụ, triển khai thực hiện các chỉ đạo của Bộ Y tế.

a
Sữa có vai trò quan trọng đối với sự phát triển thể chất của trẻ. Ảnh: Phi Công

Công văn của UBND tỉnh Tiền Giang cũng nêu rõ: Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở GD-ĐT, cùng các sở, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Chương trình Sữa học đường trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt để triển khai thực hiện. Sở GD-ĐT xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án Sữa học đường trong các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn tỉnh.

Trên tinh thần đó, từ năm 2018 đến nay, hằng năm Sở GD-ĐT đều có xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện chương trình. Theo đó, kế hoạch ban đầu được xây dựng với tỷ lệ: Ngân sách nhà nước hỗ trợ 20% kinh phí thực hiện chương trình, phụ huynh đóng góp 60%, công ty sữa hỗ trợ 20%.

Tuy nhiên, kế hoạch này không được triển khai thực hiện do tỉnh Tiền Giang gặp khó khăn về kinh phí. Sau đó, ngành Giáo dục tiếp tục điều chỉnh kế hoạch, theo hướng kinh phí nhà nước chỉ hỗ trợ 20% cho đối tượng là học sinh khối mầm non thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và mồ côi. Thế nhưng phương án này vẫn không được thông qua do khó khăn về kinh phí. Chính vì vậy, đến nay Chương trình Sữa học đường vẫn chưa triển khai thực hiện được trên địa bàn tỉnh.

Ai cũng biết tầm quan trọng của sữa đối với sự phát triển thể chất của trẻ. Thế nhưng khó khăn về vấn đề kinh phí để thực hiện Chương trình Sữa học đường thì vẫn chưa được tháo gỡ kịp thời.

THIÊN LÊ

 

.
.
.