.

Dù có vắc xin nhưng không được chủ quan, mất cảnh giác

Cập nhật: 20:42, 28/02/2021 (GMT+7)

(ABO) Lô vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên đã về đến Việt Nam qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh) vào trưa ngày 24-2, ngay trong làn sóng Covid-19 quay trở lại lần thứ ba với cường độ lây lan nhanh hơn, mạnh hơn, trên diện rộng hơn, khiến bao cảm xúc vỡ òa…

a
Lô vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên đã về đến Việt Nam qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh) vào trưa ngày 24-2. Ảnh: vietnamnet.vn

Cách đây không lâu, lịch sử cũng đã từng chứng kiến đại dịch cúm A/H1N1, được phát hiện lần đầu vào tháng 4-2009 tại Mỹ và nhanh chóng lây lan khắp thế giới. Còn nhớ khi ấy, các nhà nghiên cứu phát hiện một chủng cúm chưa từng xuất hiện trước đó trong cơ thể người, đó là virus cúm A/H1N1 gây bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lan nhanh trong cộng đồng. Hai tháng sau ngày phát hiện virus cúm A/H1N1, WHO đã công bố bùng phát đại dịch cúm toàn cầu.

Khác với cúm mùa thông thường, virus cúm A/H1N1 có khả năng tấn công sâu vào tế bào phổi, gây viêm phổi, khiến cho hơn 575 ngàn người tử vong trên thế giới. Cúm A/H1N1 sau đó đã có thuốc điều trị và vắc xin phòng ngừa, do đó đại dịch chính thức chấm dứt vào tháng 8-2019, kéo dài trong 10 năm.

Đại dịch Covid-19 lần này xuất hiện với cường độ, tốc độ lây lan mạnh hơn, mức độ nguy hiểm đến tính mạng con người cao hơn, số người chết vì căn bệnh này không ngừng gia tăng từng ngày. Vì vậy, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến tất cả các mặt đời sống xã hội, ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của toàn cầu. Việt Nam cũng không ngoại lệ, đã chịu nhiều tác động từ đại dịch, gây ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều mặt trong đời sống xã hội. Vì vậy, vắc xin ngừa Covid-19 được xem là “vũ khí” căn cơ nhất để chống lại “giặc Covid-19”, được mọi người đặc biệt quan tâm và kỳ vọng.

Chính vì vậy, ngay sau khi có thông tin Việt Nam đã đàm phán, mua vắc xin ngừa Covid-19 từ nước ngoài, một số địa phương và doanh nghiệp công bố dành khoản chi phí lớn để mua vắc xin tiêm cho người dân địa phương mình hay người lao động.

Điều đáng mừng là tốc độ nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm vắc xin trong nước tiếp tục được đẩy nhanh, rút ngắn thời gian, thu được những kết quả khả quan. Đó không chỉ là đáp ứng sự kỳ vọng, tin tưởng của nhân dân, mà còn giúp cho Việt Nam phòng, chống đại dịch Covid-19 một cách chủ động với chi phí thấp, phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước.

Thế nhưng, những thông tin ban đầu cho thấy các vắc xin ngừa Covid-19 chỉ sinh ra kháng thể trong một thời gian nhất định. Điều đó có nghĩa là, nhiều khả năng việc tiêm vắc xin ngừa Covid-19 có thể phải thực hiện nhắc lại hằng năm. Hơn nữa, Việt Nam có gần 100 triệu dân, việc có đủ nguồn vắc xin ngừa Covid-19 để đáp ứng cho tất cả mọi người không phải là việc thực hiện được ngay trong một sớm một chiều, bởi nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan. Bên cạnh đó, dân số của Việt Nam đông, đường biên giới dài, nền kinh tế mở, phải giao thương với các nước trên thế giới…, nên tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng là rất cao.

Chính vì vậy, dù có vắn xin nhưng tuyệt đối không được chủ quan, mất cảnh giác; đồng thời, mọi người vẫn phải thực hiện đầy đủ các hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh của ngành Y tế để cùng chung tay sớm đẩy lùi đại dịch Covid-19.

THIÊN LÊ


 

.
.
.