Rừng ngập mặn ĐBSCL trị giá bao nhiêu?
Những giá trị “vô hình” bắt nguồn từ rừng ngập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chiếm đến gần 70% tổng giá trị mà hệ sinh thái mang lại. Việc định giá cho các dịch vụ hệ sinh thái do rừng ngập mặn cung cấp cũng là cơ sở quan trọng trong việc đưa ra chính sách và phát triển kinh tế bền vững ở cả cấp vùng và cấp quốc gia.
Rừng ngập mặn ở Cà Mau không chỉ mang lại sinh kế cho người dân địa phương mà còn là lợi ích chung cho xã hội. Ảnh: TTXVN |
Giá trị “vô hình” chiếm gần 70%
Cân bằng hài hòa lợi ích đánh đổi trong mối quan hệ môi trường - kinh tế chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhưng câu chuyện sẽ có cơ sở hơn khi chúng ta có thể quy đổi bằng một số tiền cụ thể.
Một báo cáo của nhóm tác giả của Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA) mới đây đã đưa ra con số giá trị kinh tế cụ thể cho rừng ngập mặn (RNM) ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), dựa trên nghiên cứu ở 6 trên 8 tỉnh ven biển bao gồm Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.
Kết quả là tổng giá trị kinh tế của dịch vụ hệ sinh thái rừng ngập mặn ở ĐBSCL vào năm 2017 được ước tính đạt 126,7 triệu đô la Mỹ, tương đương với mức bình quân 862 đô la Mỹ trên mỗi hecta hàng năm. Trong số này, giá trị “vô hình” mà RNM mang lại chiếm đến gần 70% tổng giá trị, bao gồm những giá trị không đong đếm được bằng tiền.
Cụ thể, chiếm khoảng 55% tổng giá trị của các dịch vụ hệ sinh thái rừng ngập mặn ở ĐBSCL là giá trị chống xói mòn đất và bảo vệ bờ biển, tương ứng 69,5 triệu đô la mỗi năm. Trong khi giá trị tích lũy các-bon của RNM (được ghi nhận qua thang tín dụng các-bon và phụ thuộc vào giá thị trường) là 18,4 triệu đô la Mỹ/năm, hay tương ứng với 25 đô la/ha, chiếm 14,5% tổng giá trị.
Nguồn: ĐVCC |
Trong khi đó, nguồn lợi từ các hoạt động kinh tế “hữu hình” như ngành nuôi trồng thủy sản (tôm hay nghêu) ước tính đạt khoảng 19,6 triệu đô la Mỹ mỗi năm, chiếm 15,5% tổng giá trị. Những lợi ích hỗ trợ từ rừng ngập mặn đến ngành nuôi trồng thủy sản thường dành cho chủ đất và các lao động địa phương có tham gia vào quá trình nuôi.
Một giá trị quan trọng khác là nghề đánh bắt cá ven bờ ở rừng ngập mặn, ước đạt khoảng 4,7 triệu đô la Mỹ, chiếm khoảng 3,7% tổng giá trị của các dịch vụ được cung cấp bởi hệ sinh thái RNM. Sản phẩm chính của nghề đánh bắt cá ven bờ ở rừng ngập mặn bao gồm tôm, cua, mực, cá, ốc và sò.
Có vị trị đa phần là ở bờ biển và bờ sông, rừng ngập mặn ở ĐBSCL giúp làm giảm vận tốc của nước và tạo điều kiện cho sự lắng đọng. Rễ cây ngập mặn có vai trò quan trọng trong việc giữ đất và trầm tích khỏi bị cuốn đi bởi lực sóng nước. Rừng ngập mặn còn giúp làm giảm độ sâu của những cơn lũ dâng do bão và giúp khu vực đó chống chọi với hiện tượng nước biển dâng trong dài hạn.
|
Mặc dù chiếm giá trị nhỏ trong tổng lợi ích mà RNM mang lại, nghề đánh bắt cá ven bờ lại mang ý nghĩa xã hội rất lớn, trên phương diện đảm bảo dinh dưỡng, tạo việc làm và giảm nghèo, vì đánh bắt cá ven bờ là sinh kế người dân địa phương. Hầu hết lợi ích đến từ dịch vụ cung cấp này được đưa trực tiếp đến dân làng, những người di cư vào rừng ngập mặn và khu vực liền kề.
Ảnh hưởng bởi hoạt động kinh tế - xã hội của con người
Giá trị kinh tế của RNM thay đổi phụ thuộc nhiều vào các yếu tố, chịu ảnh hưởng đáng kể bởi sự thay đổi của diện tích của RNM, vốn có xu hướng giảm trong nhiều năm qua.
Nhiều thống kê và nghiên cứu cho thấy diện tích rừng ngập mặn mất đi trong 20 năm qua chủ yếu là do xói mòn bờ biển và hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Các hoạt động kinh tế - xã hội của con người đã góp phần thay đổi đáng kể giá trị của rừng ngập mặt trong từng thời kỳ khác nhau.
Một nghiên cứu năm 2015 đưa ra kết luận rằng 74% sự suy giảm của diện tích RNM ở bán đảo Cà Mau trong giai đoạn 1979 - 2013 là do việc tăng trưởng nhanh chóng của ngành nuôi trồng thủy sản. Mặc dù hoạt động trồng và tái trồng RNM đã làm gia tăng tổng diện tích RNM lên 13,2%, mức tăng thêm này không đủ bù đắp cho việc tăng trưởng nhanh chóng của ngành nuôi trồng thủy sản.
“Cũng như ở các nước khác, ở Việt Nam cũng có sự căng thẳng giữa việc bảo tồn rừng ngập mặn và sự phát triển của nghề nuôi tôm. Chính phủ Việt Nam đã khuyến khích xuất khẩu tôm từ đầu những năm 1990 và nghề nuôi tôm đã lan rộng khắp các tỉnh ven biển của ĐBSCL do ảnh hưởng của sự tự do hóa kinh tế. Sự mở rộng quy mô của ngành nuôi trồng thủy sản trong những năm 1990 dẫn đến việc hủy hoại khoảng hai phần ba phần rừng ngập mặn còn lại của Việt Nam trước năm 2000”, báo cáo đưa ra nhận định.
Sự đánh đổi về diện tích RNM còn được thấy rõ ở quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa. Chẳng hạn như trường hợp của thành phố Rạch Giá, hiện nay chỉ còn 1% diện tích đất của Rạch Giá được bao phủ bởi rừng ngập mặn. Trước đó, vào năm 2000, một dự án phát triển xây dựng các khu dân cư và đường xá đã được thực hiện và đã nhanh chóng xóa sổ hầu hết rừng ngập mặn của thành phố.
Tương tự, rừng ngập mặn huyện Trà Cú ở tỉnh Trà Vinh từng che phủ hơn 20% vào năm 1997, nay hầu như đã mất hết do việc phát triển công nghiệp hóa nhanh chóng cùng với việc xây dựng và đưa vào vận hành tổ hợp nhà máy điện than.
Nhưng không phải tỉnh nào cũng có diện tích RNM giảm. Sự tăng diện tích đáng kể ở Cà Mau (chiếm tỷ lệ 38,3% vào năm 1997 lên 58,4% vào năm 2017) phần lớn nhờ vào các chương trình phục hồi của chính phủ và sự tham gia của các tổ chức quốc tế.
Không chỉ diện tích, sự giàu có và phong phú của RNM ở Cà Mau giúp địa phương này chiếm đến 59% tổng giá trị RNM ở khu vực ĐBSCL. Cà Mau cũng đồng thời là khu vực được “định danh” là Khu dự trữ sinh quyển, có chức năng bảo tồn, hỗ trợ công tác văn hóa khoa học giáo dục và phát triển kinh tế xã hội.
Hiện cơ quan quản lý đang đứng trước áp lực cân bằng giữa môi trường, đời sống dân cư địa phương và các dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội. Thách thức này còn lớn hơn nếu đặt trong bối cảnh áp lực về dân số và sự mở rộng hạ tầng đô thị. Riêng ở ĐBSCL, biến đổi khí hậu cũng đã được đưa vào việc hoạch định chính sách phát triển vùng.
“Rừng ngập mặn là chìa khóa cho việc duy trì sự đa dạng sinh học của ĐBSCL và hỗ trợ kinh tế và cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, việc chuyển đổi rừng ngập mặn thành các hoạt động hỗ trợ kinh tế ở ĐBSCL vẫn đang diễn ra. Vì thế, định giá tiền cho các dịch vụ hệ sinh thái do rừng ngập mặn ở ĐBSCL cung cấp là quan trọng trong việc đưa ra chính sách và phát triển kinh tế bền vững ở cả cấp vùng và cấp quốc gia”, báo cáo của nhóm nghiên cứu đưa ra nhận định chung.
Cũng theo báo cáo, giá trị của việc nghiên cứu về hệ sinh thái là cung cấp thông tin cho chúng ta biết những thông tin cho kế hoạch tổng thể về việc nên đầu tư vào đâu và đầu tư cái gì. “Giá trị của các dịch vụ hệ sinh thái rừng ngập mặn có thể được dùng trong phân tích đánh đổi trong việc xây dựng chính sách cụ thể, ví dụ như quy hoạch sử dụng đất, hoặc để thông tin cho việc thiết lập các công cụ kinh tế về quản lý bền vững và cấp vốn như là việc sử dụng hỗ trợ tài chính các-bon để bảo tồn rừng hoặc phí xả nước thải cho lĩnh vực nuôi trồng thủy sản”, báo cáo viết.
Nguồn: ĐVCC. |
ĐBSCL chiếm với khoảng 62% diện tích RNM của Việt Nam, là nơi có diện tích RNM lớn nhất nước. Nguồn vốn tự nhiên quan trọng này đã phải đối mặt với nhiều áp lực trong 75 năm qua, dẫn đến sự suy giảm về độ che phủ và chất lượng. Trước năm 1975, sự suy giảm RNM chủ yếu là do việc sử dụng chất độc da cam. Sau năm 1975, sự suy giảm RNM phần lớn là do sự phát triển nuôi trồng thủy sản, điển hình là nuôi tôm, và xói lở ven biển. |
(Theo thesaigontimes.vn)