Ổ bánh mì và sự lạc hậu của "hàng hóa thiết yếu"
Mấy ngày qua dư luận mạng xã hội dậy sóng với clip một công nhân mua bánh mì bị cán bộ phường ở thành phố Nha Trang ách lại vì cho rằng không phải hàng hóa thiết yếu với đa phần cảm thông cho anh công nhân mua ổ bánh mì để ăn, tức thiết yếu cho đời sống anh ấy, đồng thời bài xích cán bộ phường.
Phải nói rằng, chính quyền thành phố Nha Trang đã rất cầu thị khi tạm thời kỷ luật cán bộ phường và trả xe máy lại cho anh công nhân đi mua bánh mì; còn Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa đã khá nhanh, có ngay văn bản mang tính hướng dẫn cho cán bộ và người dân trong tỉnh quy định thế nào là hàng hóa thiết yếu. Tương tự, một số địa phương ở phía Nam đang giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ cũng ra văn bản hướng dẫn về hàng hóa thiết yếu để nhân viên thực thi công vụ khỏi hiểu nhầm.
Thế nhưng, hàng loạt công văn hướng dẫn của Sở Công thương các tỉnh lại nói rất chung chung, liệt kê ra vài mặt hàng thiết yếu, khó lòng bao quát toàn bộ. Có thể thấy rằng bản thân các sở công thương lúng túng, không phải vì họ, mà vì cái gốc của vấn đề là khái niệm hàng hóa thiết yếu của Nhà nước.
Khoản 3 điều 3 của Luật Giá 2012 đang có hiệu lực, quy định “Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là những hàng hóa, dịch vụ không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh, bao gồm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh”. Nếu căn cứ theo khái niệm này thì ổ bánh mì ở Khánh Hòa đang lan truyền trên cộng đồng mạng đều là hàng hóa thiết yếu, là để ăn uống.
Thế nhưng Luật Giá lại không nói cụ thể hàng hóa thiết yếu là những mặt hàng nào, mà chỉ nói hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn thị trường khi có giá cả biến động, Nhà nước phải can thiệp bằng chính sách quản lý giá.
Tại khoản 2 điều 15 của Luật Giá, quy định: Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá bao gồm: a) xăng, dầu thành phẩm; b) điện; c) khí dầu mỏ hóa lỏng; d) phân đạm; phân NPK; đ) thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật; e) vac-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; g) muối ăn; h) sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; i) đường ăn, bao gồm đường trắng và đường tinh luyện; k) thóc, gạo tẻ thường; l) thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
Như vậy khái niệm hàng hóa thiết yếu thì có nhưng cụ thể thì chỉ 11 nhóm mặt hàng và các nhóm hàng này là thiết yếu dưới góc nhìn của Nhà nước và chỉ để phục vụ bình ổn thị trường.
Chiếu theo quy định này thì anh cán bộ phường ở Nha Trang chẳng có gì sai cả, khi Nhà nước đâu có nói bánh mì là hàng thiết yếu. Nay mai, sẽ có nơi còn là bắp, khoai lang vẫn có thể bị ách lại nếu theo luật này.
Luật này còn nói rõ là trong trường hợp cần bổ sung mặt hàng thiết yếu thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Người viết đoan chắc, nếu có bổ sung danh mục hàng thiết yếu thì Nhà nước cũng sẽ không bổ sung khoai lang, bắp… vì Nhà nước chỉ bổ sung khi cần bình ổn thị trường mà các mặt hàng này thì còn lâu mới cần bình ổn thị trường.
Có thể nói đây là sự lạc hậu của “hàng hóa thiết yếu” trong các văn bản pháp luật, buộc các địa phương phải “chữa cháy” theo cách của mình. Vậy nên chăng, quy định về hàng hóa thiết yếu để bình ổn thị trường khi thiên tai dịch bệnh, giá cả tăng đột biến thì do Nhà nước ban hành, còn hàng hóa thiết yếu trong đời sống hàng ngày của các địa phương thì nên để địa phương hướng dẫn.
(Theo thesaigontimes.vn)