.

Sức mạnh "nhân dân"

Cập nhật: 13:44, 06/09/2021 (GMT+7)

Kinh tế tư nhân (KTTN) không chỉ là lực lượng “xung kích” trên mặt trận kinh tế mà còn còn “xung kích” trên tuyến đầu chống dịch COVID-19.

a
Lô thuốc Remdesivir đầu tiên do Vingroup nhập khẩu, dành tặng điều trị bệnh nhân Covid-19 về đến sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM. Ảnh: ĐINH LAN

Danh sách Top 30 doanh nghiệp ủng hộ trong đại dịch mà tạp chí Forbes Việt Nam vừa công bố gần đây cho thấy, KTTN đang dẫn dắt và đóng vai trò chủ chốt trong các hoạt động ủng hộ Chính phủ và các địa phương chống dịch.

Chuỗi giá trị mới

Điển hình như Vingroup đóng góp tới 2.287 tỉ đồng, tiếp đó là Vạn Thịnh Phát 2.000 tỉ đồng, Thaco 800 tỉ đồng và Sun Group 621 tỉ đồng... Đặc biệt, Vingroup đang đầu tư đưa công nghệ sản xuất vaccine vào Việt Nam để có thể chủ động trong sản xuất vaccine.

Hay như Sân bay Vân Đồn- sân bay đầu tiên được xây mới hoàn toàn và do tư nhân bỏ tiền đầu tư là một trong 9 sân bay quốc tế hiện đại nhất Việt Nam. Khi dịch COVID-19 bùng phát, Sân bay Vân Đồn đã đón hơn 200 chuyến bay giải cứu, đưa hơn 40.000 người Việt hồi hương và chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam làm việc.

Đây chỉ là một trong những ví dụ điển hình cho thấy doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Việt Nam đang tạo nên những chuỗi giá trị mới, và tham gia tất cả các ngành, lĩnh vực mà trước nay doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ khả năng thực hiện.

Với các nước phát triển, khu vực KTTN chiếm tới trên 85% GDP, là trụ cột bảo đảm cho nền kinh tế quốc gia phát triển ổn định, vững mạnh. Tại Việt Nam, cuối năm 2020, Việt Nam đã có hơn 800 nghìn DNTN hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và hơn 5,4 triệu hộ kinh doanh. Cho đến nay, kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 42 - 43% GDP. KTTN thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội...

Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra rằng, trong số 2.164,5 nghìn tỉ đồng vốn đầu tư xã hội năm 2020, có đến 972,2 nghìn tỉ đồng đến từ khối kinh tế ngoài nhà nước, trong khi khối FDI chỉ chiếm 463,3 nghìn tỉ đồng. Còn trong quý I năm nay, vốn đầu tư toàn xã hội đạt 507,6 nghìn tỉ đồng, riêng khu vực ngoài Nhà nước chiếm đến hơn 57%, khu vực Nhà nước chiếm 24% và khu vực FDI chỉ chiếm gần 19%. Vai trò, vị thế của KTTN ngày càng được khẳng định và thể hiện rõ nét thông qua những đóng góp vào phát triển kinh tế- xã hội KTXH.

Đại dịch COVID-19 đã thay đổi người tiêu dùng toàn cầu - từ quan điểm về giá trị, hành vi, cho tới cách tiêu dùng. Nó không chỉ đặt ra yêu cầu cấp thiết về sự thay đổi nội tại trong mỗi doanh nghiệp mà còn gợi mở những quyết sách mạnh mẽ từ Chính phủ.

Chủ động thích ứng

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng phát triển của khu vực KTTN vẫn còn hạn chế ở nhiều mặt. Khu vực KTTN chưa thật sự lớn mạnh tương xứng với tiềm năng.

Đại dịch COVID-19 bùng phát, những điểm yếu của KTTN càng bộc lộ rõ hơn bao giờ hết. Có quá nhiều doanh nghiệp phản ánh đang gặp khó khăn, thậm chí là bất lực. Nó được phản ánh cụ thể qua số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể cũng tăng cao so với cùng kỳ năm 2020 (25,5%) với 79.700 doanh nghiệp... Nhưng giữa muôn trùng khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã chủ động thích ứng, sáng tạo và tìm cách vươn lên, ổn định và phát triển.

Quan trọng hơn, không chỉ chăm lo sản xuất kinh doanh, duy trì việc làm phải đảm bảo an toàn, DNTN còn thể hiện vai trò “xung kích” trên “mặt trận” phòng chống dịch COVID-19. Theo Bộ Tài chính, nguồn tiền để mua vaccine khoảng 22.000 tỉ đồng, hơn 8.000 tỉ đồng trong số đó là do người dân, doanh nghiệp đóng góp và nhiều nhất vẫn là khối DNTN.

Đây chính là tình cảm, tinh thần trách nhiệm cao vì cộng đồng của doanh nghiệp, cùng cả nước tập trung phòng chống dịch bệnh COVID-19, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an toàn đời sống và sức khỏe nhân dân.
Nhưng mọi nguồn lực đều có giới hạn, dịch bệnh COVID-19 chưa thể đoán định được và cách duy nhất để KTTN “thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế” là phải nuôi dưỡng và phát triển nguồn lực này.

Chính phủ cũng cho rằng: Bên cạnh việc mở rộng số lượng doanh nghiệp thì cần chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp dân doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp dân doanh phát triển, đây sẽ là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển. Trong khi, cộng đồng DNTN mong muốn có được sự “cởi trói”, sự ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa để DNTN được đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước, được tham gia vào những lĩnh vực hơn nữa.

(Theo diendandoanhnghiep.vn)

.
.
.