Các nước sống chung với đại dịch COVID-19 như thế nào?
Khi mà các chuyên gia y tế thế giới nhận định: việc xóa sổ virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 là điều khó có thể làm được, thì kịch bản phải sống chung với đại dịch này đang được các nước dần dần…chấp nhận.
Chấp nhận thực tế
Kể từ khi xuất hiện vào cuối năm 2019 đến nay, virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 đã khiến hơn 230 triệu người trên thế giới mắc bệnh, cướp đi sinh mạng của hơn 4,7 triệu người, gây ra một cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng trên toàn cầu. Không ít lần chúng ta đã đặt câu hỏi: Đại dịch khi nào sẽ kết thúc và sẽ kết thúc như thế nào?
Đây có lẽ sẽ vẫn là một câu hỏi khó và các nhà khoa học, các chuyên gia y tế cần có nhiều thời gian hơn để tiếp tục có những công trình nghiên cứu về loại virus gây dịch bệnh nguy hiểm này.
Trong cuộc họp báo ngày 7/9, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Mike Ryan đã đưa ra nhận định mới rằng, COVID-19 có thể sẽ là "phần tất yếu" của thế giới trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục biến đổi ở những quốc gia chưa tiêm hoặc có tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng bệnh thấp trên thế giới . Điều này đồng nghĩa với việc những hy vọng trước đó về việc xóa sổ hoàn toàn đại dịch này cũng đang dần nguội tắt.
Các chuyên gia y tế nhận định, khả năng cao thế giới sẽ không thể loại bỏ hoàn toàn virus SARS-CoV-2 . (Ảnh minh họa: AFP) |
Theo ông Mike Ryan, khả năng cao thế giới sẽ không thể xóa bỏ hay loại bỏ hoàn toàn virus SARS-CoV-2 như những tuyên bố lâu nay. Virus SARS-CoV-2 sẽ luôn tồn tại và cuối cùng sẽ trở thành một dạng virus giống như những virus gây đại dịch cúm hay những loại virus khác từng ảnh hưởng đến con người.
Những nhận định mới của WHO về ứng phó với dịch COVID-19 thay đổi bắt nguồn từ thực tế rằng, một số nước có độ bao phủ tiêm vaccine ngừa COVID-19 hàng đầu thế giới đang chứng kiến số ca mắc tăng trở lại ở mức báo động, khi những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vẫn liên tục xuất hiện.
Trước những diễn biến mới của cuộc chiến chống COVID-19, một số chuyên gia cho rằng, chống dịch thành công lúc này không phải là không ghi nhận ca bệnh nào mà là ghi nhận rất ít người nhập viện và rất ít người tử vong. Do vậy, trong khi thế giới chưa có câu trả lời cho việc xóa sổ đại dịch, thì việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 vẫn được coi là chiếc chìa khóa quan trọng để các nước bảo vệ người dân và đẩy lùi giai đoạn chết chóc của dịch bệnh vào quá khứ!
Giới chuyên gia khẳng định sống chung với COVID-19 là một tương lai mà ở đó các nước sẽ phải học cách kiểm soát các ổ dịch song song mục tiêu giảm thiểu cản trở hoạt động kinh tế. Để sống chung an toàn với COVID-19, cần phải phối hợp các giải pháp về vaccine, tăng cường hệ thống y tế, linh hoạt các biện pháp ứng phó dịch tễ tùy theo mức độ lây lan, chính quyền đảm bảo thông tin đầy đủ và mỗi công dân tự đề cao trách nhiệm cá nhân.
Học cách sống chung
Rõ ràng, cuộc chiến chống COVID-19 của thế giới đang bước sang giai đoạn mới. Thay vì theo đuổi mục tiêu “diệt sạch virus” đặt ra hơn 1 năm trước, nhiều nước đã và đang “học cách sống chung” an toàn với dịch bệnh. Người dân cũng được khuyến khích thay đổi nhận thức về đại dịch, nếu bị nhiễm thì tìm cách không để bệnh diễn biến nặng hoặc tử vong vì COVID-19.
Với chiến dịch tiêm chủng được đẩy mạnh, các quốc gia trên thế giới đang từng bước tìm hướng nới lỏng các biện pháp chống dịch phù hợp, để phát triển kinh tế và nối lại hoạt động của ngành du lịch.
Là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cao nhất thế giới với 82% người trưởng thành đã được tiêm vaccine đầy đủ, Singapore đã quyết định từ bỏ giấc mơ “Không COVID-19” mà thay vào đó sẽ học cách "sống chung với virus". Quốc gia 5,7 triệu dân mới chỉ ghi nhận 65 ca tử vong, dù số ca mắc COVID-19 là 79.899 ca. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long mới đây nhận định không còn khả năng đưa số ca nhiễm về 0 nữa ngay cả khi phong tỏa một thời gian dài, vì vậy, phải chuẩn bị cho viễn cảnh COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu như cúm, hay thủy đậu. Singapore đã từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế để hướng đến sống chung với COVID-19.
Indonesia là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Nước này đã phát động chương trình tiêm chủng quốc gia miễn phí ngừa COVID-19 vào ngày 13/1/2021. Tính đến ngày 20/9 vừa qua, quốc gia đông dân thứ tư thế giới này đã tiêm gần 125 triệu liều vaccine, trong đó hơn 45 triệu người đã được tiêm đầy đủ hai liều. Xác định sống chung với đại dịch, Indonesia hiện đang xem xét việc mở cửa đón du khách nước ngoài đến đảo Bali và một số điểm du lịch khác từ tháng 10/2021. Ban đầu, Indonesia sẽ ưu tiên tiếp nhận du khách từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và New Zealand trong bối cảnh mức độ lây lan virus SARS-CoV-2 tại các quốc gia này thấp. Dự kiến, đến khi đạt mục tiêu tiêm mũi đầu tiên vaccine ngừa COVID-19 cho 70% người dân, nước này sẽ mở cửa cho du khách nước ngoài.
Cho đến nay, có 66% dân số đủ điều kiện tiêm chủng của quốc đảo Fiji đã được tiêm phòng đầy đủ. Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama cho biết mục tiêu của chính phủ nước này là mở cửa đất nước và nền kinh tế. Sau khi 80% dân số Fiji được tiêm chủng, nước này sẽ đề xuất du lịch miễn cách ly đối với các du khách đến từ những vùng nằm trong danh sách xanh của nước này gồm Australia, New Zealand, Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc, Singapore và các vùng của nước Mỹ. Các du khách đến từ những địa điểm sẽ cần phải được tiêm phòng đầy đủ và có xét nghiệm âm tính đối với virus SARS-CoV-2 trước khi khởi hành tới nước này. Sau khi tới Fiji, các du khách sẽ ở tại một địa điểm được chỉ định - nơi mọi tiếp xúc, từ nhân viên khách sạn tới người điều hành tua du lịch, được tiêm phòng đầy đủ.
Mở cửa trở lại các trường học cũng là một trong những nỗ lực mà các nước đang dần triển khai trong bối cảnh xác định sống chung với đại dịch.
Tại Campuchia, hơn 200 trường trung học cơ sở, trung học phổ thông tư thục và công lập ở thủ đô Phnom Penh đã mở cửa trở lại vào ngày 15/9 sau hơn 7 tháng phải đóng cửa vì dịch COVID-19. Trong tổng số hơn 16 triệu dân, Campuchia đã triển khai đợt tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho 10 triệu người trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên), bắt đầu từ tháng 2/2021 và gần 2 triệu thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 12-18, bắt đầu từ tháng 8/2021. Đến nay, đã có 9,77 triệu người lớn và 1,71 triệu thanh thiếu niên đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên. Nước này đang triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine dành cho trẻ em trong độ tuổi từ 6-11 tuổi bắt đầu từ ngày 17/9 để mở cửa trở lại các trường tiểu học.
Tại Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte đã thông qua quyết định cho phép thí điểm mở cửa trở lại các trường học ở những khu vực có nguy cơ thấp về lây nhiễm COVID-19. Theo thông báo của Bộ Giáo dục Philippines ngày 20/9, sẽ có 120 trường học tham gia chương trình thí điểm kéo dài 2 tháng này. Philippines là 1 trong số 17 quốc gia trên thế giới đóng cửa các trường học trong suốt thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành vừa qua. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), thanh thiếu niên nước này đã có "18 tháng không tới trường". Bộ Giáo dục Philippines cho biết, trong chương trình mở cửa thí điểm, mỗi buổi học sẽ chỉ diễn ra trong 3-4 giờ và các học sinh tham gia các lớp học theo hình thức trực tiếp này cần có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ.
Chính phủ Cuba đã công bố kế hoạch dần mở cửa trở lại các trường học, có thể vào tháng 10 hoặc tháng 11 tới. Tuy nhiên, công việc này sẽ chỉ được thực hiện sau khi tất cả trẻ em ở độ tuổi đến trường đều được tiêm vaccine COVID-19. Để làm được điều này, một chiến dịch tiêm chủng đại trà vaccine COVID-19 cho trẻ em trên 2 tuổi được Cuba thực hiện vào đúng ngày khai giảng năm học mới 6/9 tại tỉnh miền Trung Cienfuegos. Việc chủng ngừa cho nhóm đối tượng trẻ em từ 2-11 tuổi sẽ được thực hiện một cách từ từ song mạnh mẽ, dự kiến kết thúc vào ngày 15/11 tới.
Có thể thấy, “sống chung an toàn” với đại dịch đã không còn là phương châm của riêng quốc gia nào. Sự thay đổi này không phải là đầu hàng mà là một bước chuyển mình, hướng đến việc chủ động kiểm soát để chiến thắng COVID-19. Học cách thay đổi cũng là một cách để thế giới thích ứng tốt hơn với bất kỳ khó khăn, thách thức nào trong tương lai./.
Theo ĐCSVN