Điều ước trong "mùa trăng đặc biệt"!
(ABO) Bước sang năm thứ hai, đất nước chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, trăng vẫn vằng vặc sáng, tròn đầy, nhưng mùa Trung thu chưa thể trọn vẹn, không có tiếng trống múa lân, không có lấp lánh đèn lồng, thiếu vắng tiếng cười trẻ thơ; các hoạt động tổ chức Tết Trung thu cũng bị hạn chế…
Tuy nhiên, ở các tỉnh, thành, trong đó có Tiền Giang, những chương trình thăm hỏi, tặng quà trung thu cho các đối tượng trẻ em như con em của những người đang làm nhiệm vụ ở tuyến đầu chống dịch; có hoàn cảnh khó khăn; bị nhiễm bệnh Covid-19 đang được chăm sóc, điều trị tại các bệnh diện dã chiến; trẻ em phải cách ly y tế, đang ở trong các khu phong tỏa… vẫn diễn ra để các em cảm nhận được không khí Tết Trung thu.
Đồng chí Lý Văn Cẩm, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang (bên trái) trao quà trung thu đến Phó Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 7 của tỉnh để trao tặng cho 120 trẻ em là F0 đang điều trị tại đây. Ảnh: THỦY HÀ |
Dù đã nỗ lực dành sự quan tâm cao nhất cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn, nhưng vẫn canh cánh nỗi lo khi đại dịch Covid-19 đã đẩy biết bao em nhỏ vào cảnh mồ côi, bị ảnh hưởng tâm lý, tổn thương tinh thần do dịch bệnh kéo dài. Thật đáng lo ngại, nhiều trẻ mồ côi thiếu vắng sự chăm sóc của cả cha lẫn mẹ, người thân có thể bị những đe dọa khác như thiếu ăn, gián đoạn học tập, dễ bị dụ dỗ... ảnh hưởng đến sự phát triển, an sinh của các em.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính tới đầu tháng 9-2021, cả nước ghi nhận 11.822 trẻ em là F0, 27.334 trẻ em là F1. Riêng tỉnh Tiền Giang hiện có hơn 1.000 trẻ em từ 0 đến 16 tuổi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó có 440 trẻ em F0 tại các bệnh viện và hơn 660 trẻ em là F1; đặc biệt, có 39 trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ do Covid-19.
Với TP. Hồ Chí Minh, ngày 14-9, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố thông tin con số khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng, TP. Hồ Chí Minh có khoảng 1.500 học sinh mồ côi cha hoặc mẹ vì Covid-19, trong đó hơn 490 em học sinh tiểu học, 580 em THCS, còn lại là THPT, giáo dục thường xuyên.
Dịch Covid-19 tạo nên những điều chưa từng có trong thế giới tuổi thơ mà mức độ tác động của nó không chỉ đo lường bằng ngày tháng trước mắt. Trẻ em trong đại dịch hôm nay đang rất cần sự chăm sóc, bảo vệ, cảm thông, chia sẻ nhiều hơn nữa. Tất cả vì một thế giới ngày mai.
Tỉnh đoàn Tiền Giang mang quà trung thu đến với trẻ em trong khu phong tỏa của xã Trung An, TP. Mỹ Tho. Ảnh: LÝ OANH |
Và có những người vỡ òa cảm xúc khi vào chiều tối ngày 16-9-2021, cộng đồng mạng lan tỏa rộng rãi thông tin “Tập đoàn FPT vừa quyết định mở trường nuôi dạy trẻ nhỏ mất cha mẹ bởi dịch Covid-19 đến khi khôn lớn” và gọi đó là phép mầu của mùa trăng này.
Dĩ nhiên để hỗ trợ được các em, ngoài sự vào cuộc hỗ trợ đồng bộ của nhiều cấp ngành, của cả cộng đồng còn cần đến vai trò của tấm lưới an sinh xã hội, đủ độ rộng để bao phủ lên các thân phận thiệt thòi, đủ sự chắc chắn để các em được nương tựa, hồi sinh và lớn lên sau đại dịch. Chỉ có con đường kết nối, trao cho các em cơ hội học tập là sự giúp đỡ căn cơ nhất. Bên cạnh đó, an sinh còn phải tính đến việc hỗ trợ sinh kế để người lớn trong gia đình sớm ổn định cuộc sống, chăm sóc được cho các em.
Trung thu thời đại dịch, có thể không có các lễ hội, vắng bóng đèn lồng, thiếu bánh… nhưng giá trị của một Tết Trung thu truyền thống vẫn được lan tỏa, vẫn thấm đẫm ở ngay cả những khu vực “vùng đỏ”… Và điều ước trong "mùa trăng đặc biệt" này là mong sao mọi trẻ em được an toàn, mạnh khỏe. Mong sao dịch bệnh sớm qua mau để các em nhỏ lại được ra đường, được đến trường học tập, đầy ấp tuổi thơ của các em là tiếng cười, niềm vui… Những ký ức đẹp sẽ theo các em vào đời.
HỮU NGHỊ