Số ca mắc Covid-19 có thể tăng nhưng dịch sẽ không quá trầm trọng
Chuyên gia y tế nhận định dịch Covid-19 tại Việt Nam có thể sẽ không diễn biến quá phức tạp dù số ca nhiễm nCoV đang tăng trở lại.
Theo thống kê hàng ngày của Bộ Y tế trong 10 ngày qua, số ca mắc Covid-19 trong nước sau thời gian giảm về ngưỡng khoảng 3.000 trường hợp/ngày đã liên tục tăng dần lên mức 6.000-7.000.
Những thông số này mang đến nhiều lo ngại, nhất là khi tỷ lệ tiêm chủng vaccine tại nhiều địa phương chưa cao.
Nguyên nhân khiến số ca mắc mới liên tục tăng
Trao đổi với Zing, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết có nhiều nguyên nhân để lý giải tình trạng số ca mắc Covid-19 trong nước tăng lên thời gian qua. Trong đó, ông đưa ra 2 lý do chính:
Đầu tiên, PGS Dũng cho rằng biến chủng Delta của SARS-CoV-2 đang xuất hiện tại Việt Nam có khả năng lây nhiễm lớn và rất khó kiểm soát. Phương pháp kiểm soát sự lây lan của virus phổ biến nhất được các quốc gia sử dụng hiện nay vẫn là tiêm chủng vaccine. Trong khi đó, các biện pháp phòng, chống dịch khác chỉ có thể hỗ trợ một phần.
“Hiểu đơn giản, trong dịch tễ học, chúng ta sử dụng chỉ số R0 để xác định khả năng lây nhiễm của virus. Với chủng virus cổ điển, chỉ số R0 là 3, tức một người có thể lây cho khoảng 2-3 người. Tuy nhiên, với biến chủng Delta, một F0 có thể lây cho 7-8 người liên quan. Điều này thể hiện khả năng lây nhiễm của virus là rất mạnh”, vị chuyên gia này giải thích.
Nguyên nhân thứ 2 là trong thời gian qua, xã hội xuất hiện tình trạng người từ địa phương có dịch như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai,... trở về quê. Sự biến động trong dân cư từ hiện tượng này mang đến xáo trộn và gây khó kiểm soát các trường hợp nhiễm virus.
“Biến chủng Delta dễ lây nhiễm lại cộng thêm sự biến động của người dân giữa các địa phương có dịch. Hai yếu tố này kết hợp lại đã khiến tình hình dịch Covid-19 phức tạp hơn trong thời gian qua”, Trưởng khoa Y tế Công cộng kết luận.
Đồng ý với quan điểm này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, khẳng định tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam hiện nay khá phức tạp, đặc biệt tại các địa phương có người về từ những tỉnh, thành phố bùng phát dịch trong thời gian qua như TP.HCM, Bình Dương hay Đồng Nai...
“Khi quyết định mở cửa, nới lỏng chính sách để sống chung an toàn với SARS-CoV-2, chúng ta cũng phải chấp nhận việc các F0 sẽ xuất hiện trong cộng đồng. Nhất là nhiều người dân có nhu cầu đã trở về quê hương từ vùng dịch sau thời gian dài giãn cách. Những người này hoàn toàn có thể đã nhiễm nCoV và lây cho gia đình, người xung quanh nếu không được quản lý tốt. Ngoài ra, chúng ta còn xuất hiện tình trạng chủ quan, tập trung đông người, không thực hiện tốt 5K,... sau khi xã hội được nới lỏng”, ông Phu nói.
Một người dân tại Bình Dương vừa hoàn thành mũi một vaccine phòng Covid-19. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Diễn biến dịch có thể không quá trầm trọng
PGS Đỗ Văn Dũng khẳng định tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 còn thấp cùng khả năng đáp ứng điều trị hạn chế tại nhiều tỉnh, thành phố là vấn đề khá lớn dẫn tới nguy cơ về dịch. Tuy nhiên, điểm khởi đầu của các địa phương hiện nay tốt hơn TP.HCM hồi đầu vụ dịch về tỷ lệ tiêm chủng.
Theo vị chuyên gia này, trong thời gian tới, số ca nhiễm có thể vẫn tăng nhưng dịch sẽ không trầm trọng như TP.HCM do 3 yếu tố chính:
Thứ nhất, dù các tỉnh, thành phố chưa đảm bảo miễn dịch cộng đồng, một lượng người dân nhất định đã được tiêm một mũi vaccine phòng Covid-19. Điều này cũng giảm được chỉ số R0 (khả năng lây nhiễm) dù không quá nhiều, từ đó tăng hiệu quả của các biện pháp phòng dịch cổ điển.
Thứ hai, sau làn sóng dịch vừa qua, các địa phương cũng đã có kinh nghiệm triển khai điều trị tại nhà, biết cách đối phó với dịch hay chuẩn bị bệnh viện cung cấp đầy đủ oxy. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của thuốc Molnupiravir cũng đã góp phần tăng hiệu quả trong việc điều trị tại nhà của người dân.
Cuối cùng, PGS Dũng cho rằng mật độ người dân tại các địa phương không dày đặc như TP.HCM. Yếu tố này sẽ giúp các tỉnh, thành phố giảm được nguy cơ bùng phát dịch. Dẫu vậy, nguy cơ vẫn rất cao nếu chúng ta không chuẩn bị đầy đủ và ứng phó quyết liệt với các ca nhiễm.
Từ đây, Trưởng khoa Y tế Công cộng khuyến cáo các địa phương cần tích cực thực hiện biện pháp phòng dịch cổ điển như hạn chế tiếp xúc, đi lại, thậm chí phong tỏa hay giãn cách nếu cần thiết.
PGS Trần Đắc Phu bổ sung: “Tất cả địa phương đều phải cảnh giác cao độ, nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như xét nghiệm, truy vết, cách ly, khoanh vùng, phong tỏa và ngăn ngừa, tránh để ổ dịch bùng phát”.
Ngoài ra, theo ông Phu, bản thân người dân cũng phải đảm bảo thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế dù đã được sinh hoạt, đi lại. Nếu lơ là, chủ quan, dịch hoàn toàn có thể bùng lên trở lại.
Về tình hình dịch trong thời gian tới, PGS Đỗ Văn Dũng cho biết khó có thể đoán biết vì thực tế bị ảnh hưởng nhiều bởi biến số con người. Tất cả phỏng đoán chỉ nhằm mục đích đưa ra tình huống, từ đó chuẩn bị giải pháp ứng phó phù hợp.
“Trong bối cảnh hiện nay, tôi nghĩ tỷ lệ nhiễm nCoV trong thời gian tới sẽ tăng, ít nhất là khoảng 1-2 tuần nữa ở một số địa phương. Nếu chúng ta quyết liệt tổ chức tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, nhất là cho người cao tuổi, tình hình có thể sẽ sớm được khống chế. Đây là một tình huống khá khả thi và cũng nằm trong khả năng ứng phó của ngành y tế”, ông Dũng nói.
Theo Zing