Từ chuyện giáo viên F0 bị trừ điểm thi đua, nghĩ về công tác thi đua - khen thưởng
(ABO) Những ngày qua, dư luận quan tâm và không khỏi bức xúc về việc các trường hợp giáo viên ở Trường THCS Văn Điển (huyện Thanh Trì, Hà Nội) bị trừ điểm thi đua vì mắc Covid-19.
Theo thông tin ghi nhận từ các cơ quan truyền thông báo chí, mạng xã hội, tại cuộc họp Hội đồng nhà trường, Chủ tịch Công đoàn trường này đã công bố về việc trừ thi đua đối với các trường hợp giáo viên là F0. Cụ thể áp dụng hình thức trừ 10 điểm thi đua đối với những trường hợp giáo viên F0, phải nghỉ 7 ngày. Thầy cô nào có tham gia dạy trực tuyến trong thời gian là F0 sẽ bị trừ 5 điểm.
Ngành Giáo dục nói chung và các thầy cô giáo nói riêng luôn nỗ lực thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, đảm bảo chương trình dạy học cho học sinh. Ảnh minh họa |
Nhiều ý kiến dự luận cho rằng, việc trừ điểm thi đua của giáo viên bị nhiễm Covid-19 không thể đi dạy là cứng nhắc, máy móc. Ai cũng hiểu, thiên tai dịch họa là khách quan, bất khả kháng và không ai mong muốn. Từ khi dịch bùng phát, tùy theo giai đoạn cấp độ dịch mà Chính phủ chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 15, rồi đến Chỉ thị 16 lấy bảo vệ tính mạng con người là trên hết và sau này là Nghị quyết 128 của Chính phủ về việc thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19 và giáo viên chấp hành nghiêm chỉ đạo của cấp trên.
Thậm chí, để việc dạy học không bị gián đoạn ảnh hưởng đến tiến độ chương trình của học sinh, những thầy cô còn khỏe mạnh đã phải dạy thay đồng nghiệp. Tuy nhiên, những giáo viên dạy thay đồng nghiệp cũng không được cộng điểm. Vì vậy, việc bị trừ điểm thi đua khi bị mắc Covid-19 đã khiến nhiều giáo viên không phục, vừa tủi thân, vừa cảm thấy tức giận là điều dễ hiểu.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều cán bộ làm công tác giáo dục có thâm niên cho rằng, không chỉ giáo viên, mà bất cứ ngành nghề nào cũng không ai muốn mình trở thành F0, là nguồn lây cho cộng đồng, đồng nghiệp, chưa nói tới việc tổn hại sức khỏe bản thân, ảnh hưởng công việc. Trên thực tế, tuy thuộc diện F0, F1, các thầy cô vẫn cố gắng tham gia giảng dạy bằng các hình thức khác nhau. Vì vậy, việc nhà trường cần làm là động viên họ, đằng này lại nghĩ ra cách cắt thi đua thì thật là cách làm máy móc, cứng nhắc, khó thể chấp nhận được.
Công tác thi đua - khen thưởng đã tạo động lực cho các tập thể, cá nhân; trong đó, có các thầy cô giáo nỗ lực cống hiến và được Đảng, Nhà nước ghi nhận. |
Trả lời báo chí, các chuyên gia làm công tác thi đua - khen thưởng cho rằng, trong trường hợp này, nhà trường nên linh hoạt xử lý hoặc có thể xin ý kiến cấp trên về trường hợp này để có cách làm phù hợp chứ không nên máy móc như thế. Ngay từ đầu năm học, mỗi nhà trường đều xây dựng một bộ tiêu chí thi đua riêng và được thông qua tại hội nghị cán bộ, viên chức để thống nhất thực hiện. Nhiều quy chế trong điều kiện bình thường là hợp lý, nhưng trong thời điểm dịch bệnh, khi mà cả xã hội đều đang rất nỗ lực để thích ứng, quy chế ấy không còn phù hợp nữa. F0 không ai mong muốn, hoàn cảnh khách quan mà lại đem trừ thi đua thì quá bất hợp lý…
Thi đua - khen thưởng tưởng là chuyện nhỏ mà không nhỏ, bởi thi đua ảnh hưởng đến tinh thần, thái độ của người lao động. Nhất là trong ngành Giáo dục, công tác thi đua càng cần được chú trọng, bởi các thầy cô giáo không chỉ ảnh hưởng đến một cơ quan, tổ chức, mà còn tác động đến học sinh, thế hệ tương lai. Nếu đánh giá máy móc như thế thì giáo viên mất niềm tin và không thể truyền năng lực sáng tạo, tinh thần cống hiến cho lớp trẻ.
Sinh thời Bác Hồ từng dạy: “Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”. Trong nhiều hội nghị thi đua yêu nước, các đồng chí lãnh đạo từ trung ương đến địa phương đều nhắc nhở, thi đua là động lực để thúc đẩy mọi người vượt lên hoàn cảnh, nỗ lực vươn lên, sáng tạo, tăng năng suất lao động, tạo nên những đóng góp tích cực cho đơn vị, tổ chức và rộng hơn là xã hội.
Phong trào thi đua cần đi vào thực chất, việc khen thưởng phải linh hoạt đúng người, đúng việc, tránh chạy theo thành tích, vô cảm trước lợi ích nhóm. Biết tập thể, cá nhân chưa xứng đáng mà vẫn khen thưởng là không đúng với tinh thần thi đua mà Bác Hồ từng dạy.
Mục đích cuối cùng của việc thi đua là sự động viên, khích lệ kịp thời với người lao động chứ không phải thi đua để tạo ra áp lực, gây ảnh hưởng đến sự cố gắng của người lao động nói chung và trong trường hợp này chính là các giáo viên Trường THCS Văn Điển.
Có thể nói, cả hệ thống chính trị, nhất là ngành Giáo dục những ngày qua đã không ngừng nỗ lực để đưa học sinh đến trường đảm bảo chương trình đào tạo, nỗ lực thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về việc thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19, sai sót của Trường THCS Văn Điển là bài học để các trường rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc đối với công tác thi đua - khen thưởng trong thời gian tới.
GIA TUỆ