Để ĐBSCL vươn lên cùng cả nước và vì cả nước
(ABO) Sáng 27-4, 17,5 triệu dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đón niềm vui mới - Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chính thức được khánh thành và đi vào hoạt động. Đây là một trong những dự án rất quan trọng đối với người dân ĐBSCL, bởi giao thông nhiều năm qua được xem là “điểm nghẽn” lớn của vùng đất Chín Rồng.
Vậy là sau hơn 10 năm, trải qua những giai đoạn rất khó khăn tưởng chừng không thể triển khai được, cuối cùng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cùng nhu cầu cấp thiết, Tiền Giang cùng nhà đầu tư đã quyết tâm không để cao tốc “lỗi hẹn” với hơn 17 triệu người dân ĐBSCL.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chính thức hoạt động sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho người dân trong vùng. Tiếp nối cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, gần đây dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cũng đã được khởi công xây dựng và nhiều tuyến giao thông khác cũng đã bắt đầu. Bức tranh hạ tầng giao thông ĐBSCL tiếp tục được thay mới.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chính thức khánh thành vào ngày 27-4. Ảnh: PHƯƠNG NAM. |
Những dự án giao thông dồn dập được triển khai ở vùng đất Chín Rồng này có lẽ là những niềm vui chung của người dân ĐBSCL sau bao năm chờ đợi. Bởi khi đường thông sẽ “khơi thông” nhiều thứ khác sau nhiều năm bị nghẽn. Đó là niềm vui lớn, bởi cách đây hơn 10 năm, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư và phát triển ĐBSCL diễn ra tại TP. Cần Thơ, nhiều “điểm nghẽn” cần được khai thông nếu muốn ĐBSCL cất cánh. Một trong những điểm đáng chú ý nhất đã được các chuyên gia, nhà khoa học đưa ra tại hội nghị này là ách tắc trong hạ tầng giao thông. Bởi sau một thời gian dài ĐBSCL vẫn được xem là vùng trũng trong kết nối giao thông huyết mạch, nhất là hệ thống giao thông mang tính nội vùng và liên vùng.
Vậy mà, chỉ sau 10 năm, hạ tầng giao thông ĐBSCL đã khoác lên mình một diện mạo mới. Sau hàng loạt cây cầu bắc qua sông Hậu, sông Tiền được đầu tư xây dựng như Rạch Miễu, Cần Thơ, Vàm Cống, Cao Lãnh; tiếp theo là cầu Mỹ Thuận 2, Rạch Miễu 2 bắc qua sông Tiền, cầu Đình Khao qua sông Cổ Chiên và cầu Đại Ngãi nối hai bờ sông Hậu cũng sẽ được triển khai, dự kiến hoàn thành sau 1-4 năm tới… Từ đó, hệ thống giao thông kết nối giữa các tỉnh, thành trong vùng dần hoàn thiện tạo thêm động lực mới cho ĐBSCL.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chính thức đi vào hoạt động sẽ tạo động lực mới để ĐBSCL cất cánh. Ảnh: PHƯƠNG NAM. |
Hạ tầng giao thông đi trước sẽ là tiền đề quan trọng để đưa vùng đất Chín Rồng này cất cánh. Đây không chỉ là mong mỏi của người dân đồng bằng mà còn là mối quan tâm lớn của Trung ương, các bộ, ngành và mỗi tỉnh, thành.
Mới đây, trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng ĐBSCL, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Tôi tha thiết mong đợi và tin tưởng rằng cấp ủy, chính quyền và nhân dân các tỉnh trong vùng ĐBSCL nhất định sẽ phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của phong trào “đồng khởi”, khí phách anh hùng “thành đồng” Tổ quốc và phẩm chất cao quý, rất tốt đẹp của người miền Tây; cùng với các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền các cấp trong cả nước, nhất là TP. Hồ Chí Minh và toàn Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đã đổi mới, nỗ lực phấn đấu rồi càng đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này, tạo ra bước chuyển biến mới có tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh trên vùng ĐBSCL - Vùng đất Chín Rồng theo tinh thần: Cả nước vì ĐBSCL; ĐBSCL vươn lên cùng cả nước và vì cả nước.
ĐBSCL đã và đang bước trên con đường mới thênh thang và rộng mở hơn. Cuộc sống người dân đồng bằng rồi cũng sẽ khác hơn.
T.A