.

Vắc xin vẫn là "vũ khí" chiến lược trong phòng, chống Covid-19

Cập nhật: 09:12, 21/04/2022 (GMT+7)

(ABO) Những ngày tháng khó khăn rồi cũng qua, khi số ca mắc mới và tử vong do Covid-19 trên cả nước giảm sâu, dịch bệnh được kiểm soát, tạo nền tảng để triển khai hiệu quả lộ trình mở cửa lại nền kinh tế. Chúng ta có được thành quả này, đó là nhờ một phần vô cùng quan trọng của chiến lược tiêm vắc xin thần tốc và hiệu quả.

Nhấn mạnh vai trò của vắc xin trong phòng, chống dịch Covid-19, các chuyên gia y tế đều khẳng định, vắc xin phòng Covid-19 hiện nay vẫn đặc biệt hiệu quả trong giảm mức độ nặng, ca tử vong và nhập viện. Tiêm vắc xin vẫn là “lá chắn” quan trọng nhất trong phòng, chống dịch, nhờ đó dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên cả nước.

Học sinh lớp 6, Trường THCS Bảo Định, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang được tiêm vắc xin phòng Covid-19 vào sáng ngày 20-4-2022.
Học sinh lớp 6, Trường THCS Bảo Định, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang được tiêm vắc xin phòng Covid-19 vào sáng ngày 20-4-2022. Ảnh: THỦY HÀ

Kể từ mũi vắc xin phòng Covid-19 đầu tiên được tiêm cho cán bộ tuyến đầu chống dịch (vào ngày 8-3-2021), đến nay sau hơn 1 năm triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19, nước ta đã "thu" về những con số vượt mức đề ra, đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin cao so với các nước trên thế giới và trong khu vực.

Hiện tại, Việt Nam đang là 1 trong 9 quốc gia có số liều tiêm vắc xin Covid-19 cao nhất thế giới (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Brazil, Indonesia, Nhật Bản, Bangladesh và Pakistan); đồng thời là 1 trong 5 quốc gia có tỷ lệ bao phủ vắc xin mũi 3 cao nhất trong khu vực Đông Nam Á (sau Singapore, Campuchia, Brunei và Malaysia).

Tính đến nay, Việt Nam có tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 209.483.478 liều, trong đó, tỷ lệ bao phủ mũi 1 và mũi 2 của người trên 18 tuổi là 100%; mũi 3 trên 52%; tỷ lệ bao phủ mũi 1 và mũi 2 của trẻ từ 12 đến 17 tuổi lần lượt là 100% và 95,8%. Riêng tỉnh Tiền Giang, tỷ lệ bao phủ vắc xin mũi 2 đối với người từ 18 tuổi trở lên là trên 103,3% và 81,4% đã tiêm mũi bổ sung và mũi nhắc lại; nhóm trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi vắc xin là trên 99,1%.

Từ ngày 14-4 vừa qua, nước ta tiếp tục đánh dấu mốc quan trọng trong chiến dịch tiêm vắc xin, đó là chính thức triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Theo thông tin từ Bộ Y tế chiều ngày 20-4 cho biết, đến nay đã có 88.820 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Công tác tiêm chủng cho trẻ trong độ tuổi này tiếp tục được đẩy mạnh, "tiêm đến đâu an toàn đến đó".

Tỉnh Quảng Ninh mở màn đầu tiên, rồi lần lượt tới Hà Nội, Cao Bằng, TP. Hồ Chí Minh và một loạt tỉnh, thành… đã triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em. Và sáng ngày 20-4, 65 học sinh lớp 6 của Trường THCS Bảo Định và THCS Thới Sơn là những trẻ em đầu tiên của nhóm tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi của tỉnh Tiền Giang cũng đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Sau một tuần triển khai chương trình, cả nước chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp trẻ phản ứng hay tai biến sau tiêm, qua đó xóa tan tâm lý lo ngại trong dư luận; đồng thời, một lần nữa khẳng định tính đúng đắn của chiến lược vắc xin toàn dân.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, việc triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ở nước ta chính là thông điệp về tầm quan trọng của việc tất cả mọi người đều được tiêm chủng, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Vai trò của các cấp, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước đối với hoạt động tiêm chủng phòng bệnh, trách nhiệm của người dân trong việc chủ động, tự giác thực hiện tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.

"Với tỷ lệ bao phủ vắc xin cao cho các nhóm đối tượng, lứa tuổi có nguy cơ cao, Việt Nam đủ điều kiện để tiếp tục mở rộng đối tượng tiêm chủng và triển khai tiêm chủng cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Y tế trong năm 2022", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết.

Để được bảo vệ đầy đủ, trẻ em cần được tiêm theo đúng lịch và đủ liều tất cả các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng quốc gia. Lịch tiêm chủng quốc gia được xây dựng nhằm bảo vệ trẻ em, người dân và cộng đồng trước đại dịch Covid-19. Việc tiêm chủng được thực hiện từ nhóm trẻ em ở độ tuổi lớn đến bé, từ dưới 12 tuổi (lớp 6) trước, sau đó hạ thấp dần.

Ngành Y tế đã tiến hành tập huấn an toàn tiêm chủng cho trẻ ở độ tuổi 5 đến dưới 12 tuổi và hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức các điểm tiêm chủng. Trẻ được tiêm hai mũi vắc xin cùng loại, không tiêm trộn. Hai loại vắc xin được sử dụng tiêm cho trẻ độ tuổi này là của Pfizer (cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi) và Moderna (cho trẻ 6 đến dưới 12 tuổi); 2 mũi tiêm cách nhau 4 tuần.

Việt Nam thuộc nhóm đạt độ bao phủ vắc xin cao nhất thế giới, các biện pháp y tế được coi trọng, không ngừng hoàn thiện, nhờ đó số ca mắc mới, chuyển nặng, tử vong ngày càng giảm sâu. Đặc biệt, chủ trương đẩy nhanh việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em có ý nghĩa quan trọng, không chỉ trực tiếp bảo vệ sức khỏe các em trong tình hình dịch Covid-19, mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hoàn thành các mục tiêu xã hội khác; giảm nguy cơ lây truyền giữa các thế hệ trong gia đình và giữa giáo viên với học sinh tại trường học, từng bước đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Với chiến lược phòng, chống Covid-19 hiệu quả và linh hoạt, với thành công bước đầu đã được khẳng định của chiến lược tiêm chủng quốc gia, chúng ta hy vọng ngày Việt Nam khắc chế đại dịch Covid-19 sẽ không còn xa.

Và tại phiên họp thứ 14 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục nhấn mạnh, vắc xin vẫn là “vũ khí” chiến lược, là "lá chắn" quan trọng nhất trong phòng, chống dịch, phải đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch tiêm chủng vắc xin, quyết tâm cao nhất để hoàn thành tiêm chủng cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi trong quý II năm nay; xây dựng kịch bản, phương án với tình huống dịch bệnh có diễn biến mới với biến chủng mới lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

HỮU NGHỊ


 

 

.
.
.