.

Bản lĩnh thể thao Việt Nam

Cập nhật: 13:45, 21/05/2022 (GMT+7)

Ở thời điểm trước khi SEA Games 31 kết thúc 4 ngày, Đoàn thể thao nước chủ nhà Việt Nam đã vượt chỉ tiêu giành 140 HCV đã đăng ký trước đó và gần như lần thứ 2 trong lịch sử tham dự đại hội dẫn đầu bảng xếp hạng toàn đoàn.

Những tấm HCV cá nhân đã đến với 2 VĐV điền kinh Quách Thị Lan và Nguyễn Thị Huyền tại đại hội lần này. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Những tấm HCV cá nhân đã đến với 2 VĐV điền kinh Quách Thị Lan và Nguyễn Thị Huyền tại đại hội lần này. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Với những nền thể thao mạnh nhất khu vực như Thái Lan hay Việt Nam, vị trí số 1 là điều hiển nhiên khi được đăng cai SEA Games, không có gì để gây tranh cãi.

Vấn đề duy nhất để đưa ra đánh giá, đó là phong thái, cách thể hiện trên đường đi lên đỉnh cao. Và ở góc độ này, SEA Games 31 có thể xem là một trong những kỳ đại hội thành công nhất trong lịch sử, càng đặc biệt hơn nếu xét ở hoàn cảnh và thời điểm tổ chức.

Sự thống trị ở nội dung điền kinh với số HCV nhiều gần gấp đôi so với cường quốc điền kinh khu vực một thời Thái Lan là ví dụ tiêu biểu. Điền kinh Việt Nam chiến thắng ở hầu hết các nội dung mang đủ ý nghĩa “xa hơn, nhanh hơn, mạnh hơn” với các kỷ lục ở các phần thi thế mạnh và chinh phục được những nội dung đòi hỏi sự toàn diện và ý chí cao như 10 môn phối hợp hay marathon.

Trên đường đua xanh, dù không có VĐV Ánh Viên để tạo “mưa vàng” ở nội dung nữ thì các kình ngư nam vẫn kịp hoàn thành chỉ tiêu, xô đổ các cột mốc về tốc độ, cạnh tranh sòng phẳng với quốc gia mạnh nhất về bơi lội là Singapore. Những chiến thắng ở các môn Olympic như xe đạp, canoeing, cờ vua, đấu kiếm, thể dục… cho thấy sự phát triển toàn diện không phải bàn cãi của thể thao Việt Nam. Và tất nhiên, không thể không nói về các trận chung kết của những môn chơi tập thể như bóng đá, futsal, bóng chuyền, bóng rổ… đã làm bùng nổ cầu trường, tỏa sáng niềm hạnh phúc khắp cả nước.

Thành công của SEA Games 31 và gây tiếng vang lớn không chỉ nằm ở chất lượng các cuộc tranh tài mà còn ở lòng hiếu khách, sự chào đón và cổ động nhiệt thành của người hâm mộ thể thao Việt Nam ở 12 tỉnh, thành đăng cai. Những nhà thi đấu thể thao chật kín người, không khí SEA Games lan tỏa trên từng con phố, ngõ nhỏ và phủ sóng miễn phí trên toàn bộ kênh sóng, mạng xã hội. Chưa bao giờ đại hội của làng thể thao Đông Nam Á lại được “ưu ái” đến như vậy. Các cổ động viên đến từ Thái Lan, Indonesia phải “tranh” chỗ vào sân cùng với người hâm mộ tại Nam Định ngay ở trận đấu không hề có đội tuyển U23 Việt Nam thi đấu.

Từ Việt Trì (Phú Thọ) cho đến Hạ Long và Cẩm Phả (Quảng Ninh), bầu không khí SEA Games làm choáng ngợp bất kỳ du khách quốc tế nào đang đến Việt Nam. Dường như chưa từng có những ngày tháng gồng mình chống dịch Covid-19 nặng nề chỉ vừa trôi qua cách đây không lâu. Người dân đi xem thi đấu thể thao chắc chắn là một trong những hoạt động bình thường nhất của đời sống.

Từ trong sân vận động cho đến đường phố và cả không gian mạng, SEA Games 31 đã thể hiện một cách thuyết phục bản lĩnh của thể thao Việt Nam. Chúng ta đã vượt qua những nghi ngờ, những khó khăn, cả sự eo hẹp về ngân sách để tổ chức một đại hội đàng hoàng, chất lượng. Chúng ta cũng đã phô diễn được nội lực của thể thao nước nhà, cho thấy một tiềm năng vẫn còn rất lớn ở các môn thi đấu Olympic để hướng đến tương lai khi mà “chiếc áo Đông Nam Á” dường như quá chật, nhu cầu về việc đếm số huy chương không còn quan trọng, thúc đẩy mức độ đầu tư mang một tầm nhìn chiến lược xa hơn.

Cái cách mà Việt Nam đăng cai, chiến thắng và chào đón SEA Games 31 một cách thân thiện, ấm cúng, nhiều sắc màu còn là bản lĩnh của một dân tộc không bao giờ lùi bước trước khó khăn, luôn muốn vươn cao về phía trước để cùng tiến lên với thế giới. Đó chính là thành công lớn nhất, là điểm tựa cho công cuộc chuyển mình toàn xã hội sau khi đã đẩy lùi đại dịch Covid-19.

 

(Theo sggp.org.vn)


 

.
.
.