Cần chú trọng nhân tố con người trong giáo dục lịch sử
Câu chuyện học sinh thi điểm thấp môn Lịch sử hay thiếu quan tâm đến bộ môn này đã tồn tại nhiều năm qua. Mỗi khi vào đợt tuyển sinh hay các ngày lễ lớn của đất nước, dân tộc thì dư luận lại bàn.
Ai cũng hiểu lịch sử rất quan trọng vì thông qua lịch sử chúng ta hiểu hơn về dân tộc, đất nước mình, trên cơ sở đó hình thành lòng yêu nước và bản lĩnh văn hóa. Những điều này rất cần ở bất kỳ thời đại nào và càng cần thiết hơn trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nơi mà quốc gia nào không có bản lĩnh, bản sắc sẽ bị quá trình hội nhập làm hòa tan, biến đất nước thành bản sao mờ của quốc gia khác, từ đó dẫn đến nguy cơ mất nước. Thế nhưng làm thế nào để giá trị này được phát huy trong mỗi công dân, nhất là thế hệ trẻ thì là câu chuyện không đơn giản.
Đã có nhiều ý kiến từ các chuyên gia lịch sử, các nhà giáo dục và những thầy cô giáo trực tiếp dạy môn Lịch sử phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến tư duy Lịch sử là môn phụ, học để đối phó. Song, phải thừa nhận rằng, yếu tố con người là quan trọng nhất, quyết định kết quả sự việc. Đảng ta luôn coi trọng nhân tố con người trong sự phát triển đất nước. Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển. Con người không những là nguồn lực, có vai trò quyết định đến phát triển, mà còn là mục tiêu của quá trình đổi mới, là căn cứ của đổi mới và phát triển, là một trong những quan điểm cốt lõi, xuyên suốt trong quan điểm của Đảng ta.
Như vậy để cải thiện tư duy về môn Lịch sử có lẽ trọng trách lớn nhất là ở các thầy cô giáo. Lâu nay không phải chúng ta không đổi mới phương pháp giảng dạy, nhiều giáo viên đã áp dụng công nghệ thông tin, đưa máy chiếu vào lớp, một số trường có kinh phí đã tổ chức cho giáo viên đưa học sinh đi thực tế ở các “địa chỉ đỏ”, các di tích lịch sử nhưng như thế là chưa đủ.
Các chuyên gia văn hóa, giáo dục cho rằng, đưa máy chiếu đến lớp để dạy sử không phải là cải tiến. Giao đề bài cho từng nhóm học sinh thuyết trình cũng chưa hẳn là cải tiến, mà phải khuyến khích được các em tranh luận với nhau, đặt câu hỏi cho giáo viên và các bạn để tìm hiểu sâu sắc lịch sử đất nước mình.
Phát biểu với báo chí trên nhiều diễn đàn, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ: Nhà triết học người Ý Benedetto Croce từng viết: “Mọi lịch sử là lịch sử của đương đại”. Ý của ông là tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử phải nhằm phục vụ và giải quyết những vấn đề của xã hội hiện nay. Chỉ như thế, tìm hiểu lịch sử mới trở nên hấp dẫn và có ý nghĩa. Xem xét từ diễn ngôn ấy của Benedetto Croce, chúng ta sẽ tìm được một số câu trả lời để vực dậy cách viết, học và giải thích cho môn Lịch sử trở nên gần gũi hơn với cuộc sống, dễ học và lôi cuốn học sinh hơn.
Thực tế cho thấy, lâu nay chúng ta vẫn còn lệ thuộc quá nhiều vào sách vở, vẫn còn phổ biến việc dạy và học theo kiểu học thuộc lòng hoàn cảnh ra đời, diễn biến, ý nghĩa của sự kiện lịch sử. Vì vậy, để môn Lịch sử không khô khan thì giáo viên cần biến những sự kiện lịch sử thành những câu chuyện gần gũi hơn, gắn với học sinh nhiều hơn. Lấy sự kiện lịch sử làm trung tâm, học sinh được khuyến khích đưa ra những ý tưởng, bình luận khác nhau về nguyên nhân, cách thức dẫn đến kết quả đó cũng như ý nghĩa của sự kiện lịch sử này đối với xã hội hiện tại miễn là không trái với quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không trái khoa học. Khi đó, học sinh không cảm thấy học lịch sử là áp lực thuộc lòng, nhớ các sự kiện mà cảm nhận được sự hấp dẫn, gần gũi từ các sự kiện lịch sử.
Thiết nghĩ, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Giáo dục nói chung và các giáo viên dạy môn Lịch sử nói riêng, để mỗi người đều ý thức lịch sử không chỉ là một phần của đất nước nói chung, mà còn là một phần trong mỗi con người Việt Nam thì cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Một khi có niềm tin chắc chắn vào lịch sử, chúng ta sẽ không bị ảnh hưởng bởi những quan niệm lệch lạc trên mạng xã hội và đây cũng góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc ta!
HOÀI PHI