Thấu hiểu và sẻ chia
Thời gian gần đây, những câu chuyện về những đứa trẻ ở tuổi vị thành niên chỉ vì mâu thuẫn nhỏ trong gia đình, vì những suy nghĩ bồng bột mà bỏ nhà ra đi, thậm chí chọn cách tự tử đã khiến chúng ta không khỏi giật mình. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, đây là lứa tuổi trẻ có sự biến đổi về tâm sinh lý, hơn lúc nào hết rất cần sự quan tâm, thấu hiểu, sẻ chia và đồng hành từ phía cha mẹ và người thân.
Ảnh minh họa. |
Mới đây, chúng ta hẳn đã bị “sốc” khi nghe câu chuyện bé trai 13 tuổi ở TP Hồ Chí Minh trốn gia đình đạp xe 200 km về Cần Thơ để thăm bạn gái quen qua mạng xã hội. Lý do đạp xe hơn 200km thăm bạn gái của cậu bé khiến nhiều người dở khóc dở cười, đó là muốn xuống để đòi lại 160 nghìn do đã nạp thẻ điện thoại giúp trước đó và để ăn sinh nhật bạn.
Chúng ta cũng cảm thấy bàng hoàng khi biết tin một cậu bé 13 tuổi khác cũng ở TP Hồ Chí Minh, chỉ vì bị mẹ mắng, mà đạp xe bỏ nhà đi suốt gần 1 tháng mới được tìm thấy khi em đang lang thang tại Vũng Tàu.
Và có lẽ chúng ta phải giật mình khi nghe những câu chuyện về những đứa trẻ vì buồn chán một điều gì đó trong cuộc sống hay xuất phát từ mâu thuẫn trong gia đình nên không kiểm soát được hành vi của mình mà đã “dễ dàng” lựa chọn cách giải thoát là tự tử.
Ngay lúc này, chỉ cần tìm kiếm từ khóa “tự tử vì bị ba mẹ mắng” hay “học sinh tự tử” trên google, chúng ta sẽ thấy hiện ra rất nhiều câu chuyện đau lòng. Vào đầu tháng 3/2022, 3 em học sinh lớp 7 ở Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã rủ nhau ăn lá ngón để tự tử. Theo lời kể của một số học sinh Trường trung học cơ sở bán trú Na Ngoi nơi các em đang theo học thì nguyên nhân nảy sinh ra hành động dại dột trên là do các em bị bố mẹ la mắng nên rủ nhau hái lá ngón ăn. Khi được đưa đến Bệnh xá quân dân y Đoàn kinh tế quốc phòng 4, cả ba em đều trong tình trạng bất tỉnh, mạch đập nhanh, nhỏ và khó bắt, huyết áp khó đo, tính mạng bị đe dọa. Rất may, các em đã được bác sĩ ở Bệnh xá kịp thời cứu sống.
Hay như cách đây vài ngày, một học sinh sinh năm 2008 tại quận 3 (TP Hồ Chí Minh) đã uống 40 viên thuốc Paracetamol với mục đích tự tử.
Nhờ phát hiện kịp thời và đưa tới Bệnh viện Nhi đồng 2 nên em học sinh này cũng đã được cứu sống. Qua lời kể của người nhà, những ngày trước đó em vẫn tham dự tiệc với người thân như bình thường. Tuy nhiên, thời gian gần đây bố mẹ em bận đi công tác ở xa. 3 giờ trước khi nhập viện thì em đã đóng cửa một mình trong nhà. Sau đó, em thông báo với bà nội qua điện thoại và than buồn nên đã uống 40 viên thuốc paracetamol loại 500 mg.
…Tuy nhiên, không phải em học sinh nào cũng may mắn được cứu sống như trường hợp của 3 học sinh lớp 7 ở Na Ngoi hay nam sinh ở TP Hồ Chí Minh. Vào đầu tháng 4 vừa qua, một nam sinh lớp 8 của trường THCS Ngô Mây (thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk), sau khi bị mẹ mắng vì chơi game, em này đã để lại thư tuyệt mệnh rồi tự tử tại nhà riêng. Gia đình nam sinh này đã không cứu kịp tính mạng của con mình và cái còn lại là nỗi đau theo bên họ suốt cả cuộc đời. Những trường hợp trên thật sự là tiếng chuông cảnh tỉnh cho mỗi bậc làm cha, làm mẹ, cho mỗi gia đình.
Các chuyên gia tâm lý cho biết, ở lứa tuổi dạy thì, sự phát triển về thể chất, tinh thần, hoạt động não bộ cũng như sự tăng tiết hormone giới tính, hormone tăng trưởng,… khiến tâm sinh lý của trẻ vô cùng phức tạp. Trẻ dễ cáu giận, nóng nảy, buồn vui thất thường, tổn thương hay tự ái hơn. Giai đoạn này cũng là lúc trẻ thích khẳng định bản thân, muốn được cha mẹ coi mình đã trưởng thành.
Hầu hết xung đột giữa cha mẹ và trẻ tuổi dậy thì là do cha mẹ chưa hiểu hết những khó khăn và thay đổi tâm sinh lý của trẻ độ tuổi này. Điều này khiến nhiều bậc phụ huynh bất lực khi khó dạy bảo, hướng trẻ ngoan ngoãn nghe lời giống như khi trẻ còn nhỏ. Bên cạnh đó, chính sự bận rộn về công việc, cuộc sống hiện đại cũng là nguyên nhân khiến cho cha mẹ và con cái ngày càng có khoảng cách. Nhiều khi cùng sống trong một ngôi nhà nhưng mỗi người một phòng, có khi cả ngày không nhìn thấy mặt nhau…
Các bậc phụ huynh cần quan tâm, chia sẻ, đồng hành cùng con trẻ nhất là lứa tuổi dậy thì đang có sự thay đổi tâm sinh lý, để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc. |
Thêm nữa, trong thời gian vừa qua, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, các hoạt động vui chơi và học tập trên trường bị hạn chế nên phần nào khiến tâm lý trẻ bị ảnh hưởng, có thể dẫn đến những hành động bột phát không kiểm soát.
Từ thực tế này, các chuyên gia tâm lý có lời khuyên tới các phụ huynh đó là nên dành thêm thời gian nhiều hơn nữa để quan tâm con của mình, chơi với con nhiều hơn. Bởi ở trong độ tuổi dậy thì, các em có những thay đổi về tâm, sinh lý, có những suy nghĩ đôi khi chưa chín chắn, có những hành động còn bồng bột thậm chí không cần biết đến hậu quả.
Chính vì vậy, cha mẹ cần phải trở thành bạn của con, tôn trọng nguyện vọng và đặt mình vào vị trí của con trẻ chứ không nên lấy quyền làm cha, làm mẹ mà áp đặt lên các suy nghĩ, hành động của con cái. Muốn thế cha mẹ phải kéo gần khoảng cách với con cái, gần gũi, sẵn sàng lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ, đồng hành cùng con để kịp thời phát hiện, uốn nắn những suy nghĩ, hành động lệch lạc; gợi mở để con cái dễ bộc lộ những điều thầm kín trong lòng, để có hướng giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, bế tắc của con. Đồng thời, bên cạnh những nguyên tắc, những kỷ luật thì phụ huynh cũng nên có sự khích lệ con những điều tích cực trong học tập và cuộc sống.
Dạy con không bao giờ là điều dễ dàng nhất là đối với giai đoạn con bước vào lứa tuổi dậy thì. Các bậc phụ huynh cần có tính kiên nhẫn, biết kiềm chế sự nóng nảy của mình. Bản thân cha mẹ cũng phải thật sự là tấm gương cho trẻ. Cha mẹ tuyệt đối đừng vì bất lực, nóng giận của bản thân mình mà nói ra những lời nhục mạ, xúc phạm, thậm chí là cấm đoán, ép buộc, bạo hành thân thể, bạo hành tinh thần trẻ.
Cùng với gia đình, phía nhà trường cũng cần đặc biệt chú ý tới học sinh ở độ tuổi này, cần trau dồi thêm cho con trẻ những kỹ năng sống, những cách ứng xử và đặc biệt là biết làm chủ cảm xúc của bản thân.
Hiện nay, cùng với sự phát triển của xã hội, công nghệ thông tin nói chung, các trang mạng xã hội nói riêng phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh tính ưu việt của nó thì cũng tiềm ẩn những tiêu cực, tác động tới việc hình thành lối sống, tính cách của trẻ.
Chính vì vậy, khi trẻ tham gia vào các trang mạng xã hội, khai thác các thông tin trên Internet, cha mẹ cần phải có sự định hướng tránh con sa vào những thông tin tiêu cực, thông tin xấu độc.
Tại tọa đàm về phòng ngừa tự sát ở tuổi vị thành niên được Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương (Bệnh viện Bạch Mai ) tổ chức chiều 7/4 vừa qua, Tiến sĩ- bác sĩ Ngô Anh Vinh, Phó khoa Sức khoẻ Vị thành niên (Khoa), Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thời gian vừa qua, Khoa cũng đã tiếp nhận một số trường hợp trẻ vị thành niên tự tử liên quan đến mâu thuẫn trong gia đình và trường học. Một số lý do vì bị cha mẹ đánh, cha mẹ chưa hiểu mình nên uất ức, tủi thân, bị bạn bè trêu chọc, điểm kém mà trẻ đã có ý định từ bỏ cuộc sống của mình. Cũng theo công bố của Tổ chức Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) cứ trung bình mỗi ngày, khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do tự tử trên thế giới. Tại Việt Nam, tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên đang có xu hướng gia tăng nhưng đáng buồn là người lớn, các bậc phụ huynh chưa biết cách hỗ trợ và can thiệp kịp thời. Đây là vấn đề đáng báo động trên thực tế. Hơn bao giờ hết, mỗi người cần phải thấy được trách nhiệm của mình đặc biệt là từ phía gia đình, phải luôn luôn lắng nghe, thấu hiểu và sẻ chia với con trẻ. |
(Theo dangcongsan.vn)