Những quy định chống Covid-19 không còn phù hợp
Nhiều quy định chống Covid-19 như 5K, cách ly ca nhiễm, xét nghiệm khi nhập cảnh Việt Nam... đã không còn phù hợp thực tế, nhưng chưa được điều chỉnh.
Đến ngày 5/5, Việt Nam đã tiêm được 215 triệu liều vaccine Covid-19, cơ bản phủ đủ hai mũi cho nhóm dân số từ 12 tuổi. Các địa phương đang tăng tốc tiêm mũi ba và tiêm cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.
Trong khi đó, số ca nhiễm ghi nhận ngày giảm nhanh. Hôm qua, cả nước ghi nhận hơn 3.000 ca; trung bình một tuần qua là 4.400 ca/ngày.
Từ thực tế này, nhiều quy định phòng chống dịch đã được nới lỏng, như bỏ cách ly người tiếp xúc gần (F1); người nhập cảnh không phải khai báo y tế... Tuy nhiên, vẫn còn những quy định chống dịch lỗi thời, nhưng chưa được điều chỉnh.
Nguyên tắc 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế) được Bộ Y tế nêu ra từ tháng 8/2020, khi Việt Nam trong đợt bùng phát dịch bệnh thứ hai. Bộ Y tế cho rằng Việt Nam sẽ phải chống dịch thời gian dài, người dân cần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện dịch bệnh.
Đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch bệnh bùng phát. Cùng với tỷ lệ bao phủ vaccine tăng và chủng Omicron phổ biến, cả nước đã mở cửa, thông điệp 5K khó khả thi. Điều này đã được Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên chỉ ra từ đầu tháng 3/2022, khi cho rằng một số nội dung của thông điệp 5K như khoảng cách, không tập trung "không còn phù hợp với thực tế hiện nay".
Theo ông Nên, trong tình hình mới, học sinh đến trường, cơ quan, doanh nghiệp tổ chức đi làm thì khó mà không tập trung. Đặc biệt tại trường học, việc ăn, ngủ của học sinh càng khó thực hiện nếu duy trì quy định này. Vì vậy, chỉ còn hai nội dung là khẩu trang, khử khuẩn có thể làm được.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP HCM, cũng nhận định quy định giữ khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế đã lạc hậu khi cả nước mở cửa. Việc đeo khẩu trang cũng không nên bắt buộc, khi cả nước đã bao phủ vaccine cho phần lớn dân số. Ông đề nghị Bộ Y tế chỉnh sửa, khuyến khích người dân giữ vệ sinh cá nhân.
Trả lời tại cuộc họp báo Chính phủ cuối tháng 4, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, nguyên tắc 5K sẽ được áp dụng linh hoạt, trong đó 2K cần duy trì thường xuyên là khẩu trang và khử khuẩn; 3K còn lại là khoảng cách, khai báo y tế, không tập trung đông người "sẽ linh hoạt hơn".
Tuy nhiên, tới nay Bộ Y tế vẫn chưa có văn bản điều chỉnh 5K.
Người dân tập trung tại phố đi bộ Hồ Gươm, Hà Nội, dịp nghỉ lễ 30/4-1/5. Ảnh: Ngọc Thành |
Người nhiễm Covid-19 (F0) phải cách ly đang là rào cản trong quá trình khôi phục kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương. Theo quy định của Bộ Y tế, F0 điều trị tại nhà chỉ được dỡ bỏ cách ly khi đủ 7 ngày và có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính. Nếu sau một tuần, người nhiễm còn dương tính thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày đối với người đã tiêm đủ liều vaccine; 14 ngày với người chưa tiêm đủ liều.
Đầu tháng 4, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn mới, quy định F0 cần hạn chế tối đa ra khỏi phòng cách ly, không được ra khỏi nhà. Khi ra khỏi phòng cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác trong nhà.
Thực tế, nhiều nơi vẫn yêu cầu F0 đến trạm y tế để làm thủ tục xác nhận. Nhiều gia đình tất cả thành viên là F0, không có người tiếp tế thuốc, lương thực, thực phẩm nên phải ra ngoài mua. Để giải quyết tình trạng thiếu lao động, nhiều địa phương như Long An, Cà Mau đã cho F0 được tham gia sản xuất, kinh doanh.
Bộ Y tế từng đề xuất cho F0 không triệu chứng trong thời gian cách ly được tự nguyện làm việc. Tuy nhiên, đến nay đề xuất này chưa thành hiện thực.
Quy định người nhập cảnh Việt Nam phải có kết quả xét nghiệm nCoV âm tính bằng PCR hoặc test nhanh cũng được cho là không cần thiết. Hiện, người nhập cảnh Việt Nam theo đường hàng không cần kết quả xét nghiệm âm tính nCoV bằng PCR trong vòng 72 giờ; nếu là test nhanh trong vòng 24 giờ.
Người nhập cảnh đường bộ, đường thủy, đường sắt áp dụng quy định tương tự. Trường hợp chưa có xét nghiệm thì trong 24 giờ đầu kể từ khi nhập cảnh, từ cửa khẩu về nơi lưu trú (khách sạn, nhà riêng...) cần hạn chế dừng, tiếp xúc với người khác. Sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính, họ có thể tự do đi lại. Trẻ em dưới 2 tuổi không bắt buộc xét nghiệm và đi theo bố mẹ, người thân...
"Hiện nay, số quốc gia đòi hỏi xét nghiệm âm tính trước khi nhập cảnh là rất ít, bởi dịch bệnh đã thuyên giảm trên toàn cầu và rất ít nước áp dụng chính sách zero Covid-19. Hơn nữa, giá trị của test Covid-19 rất hạn chế trong giai đoạn này, hoàn toàn chỉ để tham khảo", PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nêu quan điểm.
Vì vậy, quy định phải có xét nghiệm âm tính khi nhập cảnh làm khó người dân và khách quốc tế đến Việt Nam. "Cần dừng quy định này càng sớm càng tốt, để cuộc sống thực sự trở về bình thường", ông Hiếu nói.
Việc phân loại cấp độ dịch bệnh được đề ra từ tháng 10/2021, khi Việt Nam chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn Covid-19. Có bốn cấp độ dịch, gồm: cấp 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới), màu xanh; cấp 2 (nguy cơ trung bình), màu vàng; cấp 3 (nguy cơ cao), màu cam; cấp 4 (nguy cơ rất cao), màu đỏ.
Tương ứng với từng cấp độ dịch bệnh, các địa phương sẽ được mở cửa hoặc hạn chế một số dịch vụ, cơ sở sản xuất - kinh doanh. Với cấp 1, các sự kiện trong nhà và ngoài trời không hạn chế số người. Với cấp 4, nhiều loại hình dịch vụ, kinh doanh phải dừng hoạt động.
Đến nay, theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước có hơn 50 tỉnh, thành không còn vùng đỏ; toàn quốc chỉ có 80 xã, phường vùng đỏ.
Dù cả nước đã mở cửa, cuộc sống trở lại bình thường, những quy định về phân loại cấp độ dịch và các biện pháp hạn chế dịch vụ đi kèm vẫn chưa được điều chỉnh. "Việc phân loại cấp độ dịch bệnh chỉ nên để cơ quan chuyên môn nâng cao năng lực y tế, sẵn sàng về nhân lực, cơ sở vật chất cho tình huống dịch
bệnh bùng phát. Hiện, dựa vào cấp độ dịch để hạn chế đi lại, dịch vụ là khó thực hiện trên thực tế", ông Trần Văn Hải, Phòng Nghiệp vụ (Sở Y tế Hải Dương) cho hay.
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cũng chung quan điểm "không nên đánh giá nguy cơ dịch bệnh rồi chia vùng xanh đỏ, áp dụng cho tất cả mọi người, kể cả người khỏe mạnh".
Đầu tháng 3, Bộ Y tế đề xuất dừng thông báo số ca Covid-19 hàng ngày để tránh gây hoang mang, đồng thời chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch bệnh. Chương trình phòng chống Covid-19 được Chính phủ ban hành ngày 17/3 nêu rõ sẽ chuyển từ kiểm soát số ca Covid-19 mới sang kiểm soát ca nhập viện có nguy cơ cao, rất cao và ca tử vong.
Bày tỏ ủng hộ chủ trương này, PGS. TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế, đánh giá việc này "là phù hợp". "Đếm ca" chỉ là một trong 8 chỉ số để đánh giá tình hình cấp độ dịch, chứ chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch bệnh. Việc thống kê ca nhiễm hiện nay chỉ tương đối, khó chính xác. Thực tế, nhiều người bị nhiễm nhưng không khai báo hoặc một số nơi y tế quá tải, F0 khó liên hệ được y tế.
"Chúng ta không thể đưa dịch bệnh trở về zero Covid-19 mà chỉ nên tập trung vào công bố số lượng bệnh nhân nhập viện, tử vong", ông Phu nói.
Tuy nhiên, đến nay chủ trương dừng công bố ca Covid-19 hàng ngày vẫn chưa được Bộ Y tế thực hiện.
Theo VnExpress