.

Nỗi niềm sách giáo khoa!

Cập nhật: 21:15, 30/05/2022 (GMT+7)

Mấy năm gần đây, dư luận xã hội dành nhiều sự quan tâm đối với sách giáo khoa (SGK), nhất là từ khi ngành giáo dục thực hiện chủ trương “Một chương trình, nhiều bộ SGK” (áp dụng từ năm học 2020-2021).

Mấy năm gần đây, dư luận xã hội dành nhiều sự quan tâm đối với sách giáo khoa. Ảnh minh họa: Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam
Mấy năm gần đây, dư luận xã hội dành nhiều sự quan tâm đối với sách giáo khoa. Ảnh minh họa: Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam

Không ít lần, SGK làm nóng nghị trường Quốc hội và gần đây nhất, trong ngày khai mạc Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu kiến nghị Quốc hội cần phải giám sát tối cao việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Bàn về SGK, hẳn các thế hệ học sinh trên khắp đất nước những năm 80-90 của thế kỷ 20 sẽ không thể quên kỷ niệm về một thời cắp sách đến trường. Ngày ấy, một chương trình học chỉ có một bộ SGK nên có thể dùng lại nhiều lần.

Những quyển sách bìa được bọc lại bằng giấy báo cũ và giữ gìn cẩn thận, được trao truyền từ năm này sang năm khác, từ lớp anh trước đến lứa em sau, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Không quá lời, với những gia đình nghèo, lại đông con và sàn sàn tuổi nhau thì mỗi bộ SGK của các anh chị lớn trong nhà như một “bảo vật gia truyền” đối với các lứa đàn em.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục cho rằng, chủ trương “Một chương trình, nhiều bộ SGK” là hoàn toàn phù hợp với xu hướng của nền giáo dục hiện đại. Về mặt lý thuyết, khi có nhiều bộ SGK thì các nhà trường có nhiều sự lựa chọn hơn để chọn ra bộ sách có chất lượng nhất, trang bị cho học sinh tri thức cần thiết và phù hợp với lứa tuổi, bậc học.

Bên cạnh đó, chủ trương này góp phần làm lành mạnh hóa thị trường SGK. Chất lượng sách sẽ được nâng lên vì muốn bán được sách thì người biên tập, nhà xuất bản phải có sự đầu tư kỹ lưỡng về nội dung và hình thức. Tuy nhiên, thực tế triển khai đã và đang nảy sinh nhiều điều đáng suy ngẫm.

Sự quan tâm của dư luận xã hội, tâm trạng lo lắng của các bậc phụ huynh là hoàn toàn có cơ sở. Thực hiện chủ trương “Một chương trình, nhiều bộ SGK”, hằng năm, các địa phương đều thành lập hội đồng lựa chọn SGK, chọn ra bộ sách chính thức để đưa vào giảng dạy ở địa phương mình.

Mặc dù vậy, không ít bộ sách vẫn còn những “hạt sạn” khó có thể chấp nhận, như việc in sai nội dung, nhiều chỗ sử dụng ngôn từ, hình ảnh chưa chuẩn mực và không phù hợp với lứa tuổi học sinh... 

Thực tế trên đặt ra nhiều vấn đề, đó là hệ quả từ sự cẩu thả trong khâu biên soạn, sự buông lỏng trong khâu kiểm duyệt nội dung, thiếu sâu sát trong thanh tra, kiểm soát chất lượng và thậm chí bao gồm cả năng lực thẩm định...

Bên cạnh đó, việc thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK khiến có quá nhiều bộ sách được đề nghị sử dụng, gây ra sự lúng túng cho giáo viên và phụ huynh. Cũng từ nguyên nhân này mà không ít nhà trường mỗi năm chọn một bộ SGK khác nhau để đưa vào giảng dạy.

Lẽ dĩ nhiên, bộ sách cũ sẽ không được sử dụng lại và hệ quả là hằng năm, mỗi gia đình có con em trong độ tuổi đến trường vẫn phải chi số tiền không nhỏ để mua sắm sách mới. Điều này không chỉ làm lãng phí nguồn lực xã hội mà còn gây áp lực lớn cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhất là với những địa phương khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, khi mà việc vận động học sinh đến trường đã khó, nay còn thêm gánh nặng SGK... 

Chủ trương “Một chương trình, nhiều bộ SGK” sẽ tạo điều kiện huy động tối đa trí tuệ và nguồn lực xã hội để có những bộ SGK chất lượng tốt, có tính cạnh tranh cao. Để phát huy hết ý nghĩa, giá trị từ chủ trương trên, điều quan trọng là quá trình triển khai thực hiện cần được tiến hành chặt chẽ từng khâu, từng bước, từ biên soạn, xuất bản đến thẩm định, xét duyệt; bảo đảm tính ổn định, kế thừa và phát triển.

Nếu chỉ một khâu trong quy trình chưa “tròn” thì khó tránh khỏi việc sách kém chất lượng vẫn được đưa vào sử dụng. Nguy hại hơn là tạo kẽ hở cho tiêu cực, lợi ích nhóm len lỏi vào ngành giáo dục và hệ lụy sẽ thật khó lường.

(Theo qdnd.vn)

 

 

 

.
.
.