.

Cải cách lương: hãy làm, đừng chỉ nói

Cập nhật: 20:26, 14/08/2022 (GMT+7)

Gần đây một số ý kiến nêu lại vấn đề cần thiết cải cách chế độ tiền lương cho giới công chức. Có người cho rằng cần thực hiện cải cách tiền lương là cần thiết vì hiện nay mặt bằng đó quá thấp, người khác nói cần cải cách lương bổng để “trọng dụng nhân tài”.

Theo người viết, đằng sau việc đặt ra vấn đề cải cách tiền lương vào lúc này có một nguyên nhân rất thời sự. Đó là tình trạng nghỉ việc đang tăng cao trong một số lĩnh vực trong khu vực công, đặc biệt là ngành y tế. Trong ngành này, mặt bằng lương chính thức thấp kéo dài nhiều năm mà không thấy lối ra, lại thêm áp lực lớn đến mức nhiều người không chịu đựng nỗi với đợt đại dịch kéo dài chưa từng có.

Giọt nước tràn ly tại thời điểm này khi xuất hiện nguy cơ “dịch chồng dịch” trong lúc nhân sự ngành này lại tiếp tục hao hụt lại xảy ra liên tiếp mấy vụ người nhà bệnh nhân hành hung nhân viên y tế ngay tại phòng cấp cứu.

Công bằng mà nói, không phải chỉ ngành y trong khu vực nhà nước phải chịu cảnh mặt bằng lương chính thấp so với khu vực tư nhân mà nhiều ngành khác cũng cùng chung số phận. Đây là vấn đề được đặt ra từ lâu, được nói đến rất nhiều. Tuy nhiên, thứ tự ưu tiên để thực hiện nó lại xếp rất xa sau nhiều vấn đề được cho là cấp bách khác. Thành thử, xem ra ai cũng quan tâm chuyện cải cách lương cho khu vực công, nhưng trên thực tế, nói nhiều mà làm chẳng được bao nhiêu.

Lẽ ra, năm nay là năm bắt đầu thực hiện chương trình cải cách chính sách lương. Tuy nhiên, tháng 11 năm ngoái, hơn 93% đại biểu Quốc hội hiện diện khi ấy đã bỏ phiếu tán thành việc tạm dừng thực hiện chương trình này (1). Lý do ai cũng biết là dịch bệnh ảnh hưởng mạnh đến thu chi ngân sách.

Thực ra, đây là vấn đề rất đau đầu bởi lẽ nó liên quan đến bài toán nan giải là lấy đâu ra tiền để thực hiện trong khi ngân sách quốc gia vẫn chưa thoát được tình trạng giật gấu vá vai. Còn nếu thực hiện không đến nơi đến chốn, thì hiệu quả cũng chẳng đi đến đâu. Muốn hiệu quả lại cần những khoản tiền không nhỏ. Như vậy, lại phải giái quyết câu hỏi đầu tiên: tiền ở đâu, như một cái vòng lẩn quẩn!

Tuy nhiên, với tư duy “tắt tịt” như thế, chuyện này chẳng thể đi đến đâu. Bởi đó là chuyện khó, muốn thực hiện đòi hỏi những nỗ lực rất lớn mà khởi đầu phải là quyết tâm thực hiện. Năm ngoái, Quốc hội biểu quyết dời thời điểm cải cách tiền lương là điều phải làm. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ khi nào sẽ tái khởi động chương trình này. Đến đây, có lẽ cách đặt vấn đề của ông Nguyễn Đắc Vinh, chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội, là hợp lý. Ông Vinh cho rằng hiện nay dịch bệnh tạm lắng xuống, cần thực hiện cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức (2).

Ai cũng biết cải cách chế độ lương bổng trong khu vực công giúp ngăn chặn tình trạng “chảy máu nhân lực” trong ngành y và một số ngành khác. Về lâu về dài, chính sách tiền lương hợp lý hơn sẽ giúp giảm bớt một vấn đề đau đầu kinh niên nhiều người trong số chúng ta còn xem là một “quốc nạn” mà mọi lực lượng đều cố gắng diệt trừ: nạn tham nhũng trong khu vực công.

Tuy vậy, như đã nói ở trên, xét tình trạng ngân sách hiện nay, lấy đâu ra nguồn lực để thực hiện? Xin nhường cho các nhà hoạch định chính sách nêu ra các biện pháp khả thi liên quan đến câu hỏi này. Ở đây, chỉ xin bàn vài gợi mở có tính nguyên tắc.

Để chống tham nhũng hiệu quả trong khu vực công, một trong những điều kiện cần và đủ là công chức phải được đãi ngộ xứng đáng. Nhưng do “đãi ngộ xứng đáng” là một cụm từ quá sức đối với ngân sách hiện thời, hãy thực hiện từng bước một. Để khởi đầu, hãy làm như cách tính tiền lương tối thiểu cho công nhân. Trước hết, hãy tính toán tiền lương tối thiểu để trên thực tế để công nhân “đủ sống” cái đã. Công chức cũng vậy, tiền lương cần được tính toán sao cho họ đủ sống để họ khỏi phải tìm đường “kiếm thêm”. Sau đó, khi điều kiện ngân sách cho phép, mới tính đến chuyện “đãi ngộ” nhiều hơn mức “đủ sống”.

Theo người viết, các nhà hoạch định chính sách cũng đã nghĩ đến chuyện này. Có điều, vẫn chưa thấy họ đưa ra các biện pháp và lộ trình thực hiện. Nếu vậy, phải trở lại với điều kiện ban đầu là quyết tâm thực hiện.

Ở đây, xin nêu ra một câu chuyện nhỏ có liên quan đến. Theo báo mạng vnexpress.net, cuối tháng bảy, tại một hội thảo về chính sách đặc thù phát triển TPHCM theo nghị quyết 54, ông Ngô Võ Kế Thành, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao, đã kiến nghị chính quyền chỉ cần quy định mức trần lương tháng cho chuyên gia, còn con số cụ thể bao nhiêu, đó là chuyện giữa doanh nghiệp và đương sự thỏa thuận theo cơ chế thị trường. Thêm vào đó, chính quyền cần ban hành cơ chế để giới chuyên gia hưởng lợi ích từ việc thương mại hóa các sản phẩm từ chất xám của họ. Những đề nghị hợp lý về chế độ lương bổng này cần được chấp thuận.

Tóm lại, nếu chống tham nhũng là quốc sách thì cải cách tiền lương cho khu vực công cũng phải là một quốc sách song hành, thậm chí đi trước, mới mong giảm bớt được nạn tham nhũng trong khu vực này.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.