Không chỉ là chuyện riêng của Bạch Mai và K
Chỉ trong chưa đầy một tuần, cả Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K – hai bệnh viện đầu tiên và cũng là duy nhất của cả nước triển khai thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33/NĐ-CP – đã đồng loạt xin rút khỏi chương trình thí điểm này để chuyển sang thực hiện tự chủ theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Đây có thể xem là kết cục có thể dự báo trước khi ngay từ đầu hai bệnh viện được chỉ định khác là Việt Đức và Chợ Rẫy đã xin không tham gia vì “chưa đủ điều kiện”.
Khác với tự chủ theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP, tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33/NĐ-CP ngoài việc phải tự bảo đảm các khoản chi thường xuyên, các bệnh viện còn phải tự lo các khoản chi đầu tư. Đổi lại, bệnh viện được quyết định giá dịch vụ y tế, dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu theo khung giá được Bộ Y tế ban hành…
Có thể thấy, một trong những mục tiêu chính của mô hình tự chủ toàn diện là huy động nguồn lực của xã hội để đầu tư cho trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng khám và điều trị. Đây rõ ràng là hướng đi đúng, vì nguồn vốn ngân sách nhà nước không thể đáp ứng được yêu cầu đầu tư của tất cả bệnh viện công.
Và để tăng cơ hội thành công, Bộ Y tế cũng chỉ chọn bốn bệnh viện loại 1, là những bệnh viện lớn ở tuyến cuối, có thương hiệu mạnh, có lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh rất lớn… để thực hiện thí điểm. Nhưng vẫn thất bại! Đây là vấn đề Bộ Y tế cần mổ xẻ.
Vấn đề trước tiên cần mổ xẻ để tìm câu trả lời là vì sao những bệnh viện loại 1, có đầy đủ lợi thế về quy mô, trình độ chuyên môn, thương hiệu… nhưng lại khó thu hút nguồn vốn từ tư nhân để đầu tư, đến nỗi phải xin ngừng thí điểm để trở về dựa vào ngân sách nhà nước?
Phải chăng là do đến 90% bệnh nhân khám chữa bệnh là do bảo hiểm y tế chi trả mà mức chi trả thì “thu không đủ chi”; hay vì “việc xã hội hóa đầu tư khó thực hiện do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện” như đại diện Bệnh viện Trung ương Huế chỉ ra tại một hội thảo cách nay hơn ba năm rưỡi?
Một vấn đề đáng lưu ý nữa mà cả Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai đều nêu ra là “khi tự chủ, mối quan hệ giữa Đảng ủy, Hội đồng quản lý, Ban giám đốc còn nhiều bất cập…”. “Mối quan hệ” còn nhiều bất cập ở đây cụ thể là gì, phải chăng giữa Đảng ủy, Hội đồng quản lý và Ban giám đốc không có được tiếng nói chung, dẫn đến mâu thuẫn trong nội bộ nên các đối tác tư nhân ngại hợp tác đầu tư với bệnh viện?
Ngoài ra, nghĩa vụ công ích đối với các bệnh viện khi thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện cũng là điều cần phải xem xét lại. Vẫn biết rằng, dù tự chủ toàn diện hay một phần thì đây vẫn là các bệnh viện công, nên không thể thoái thác nghĩa vụ công ích.
Nhưng nếu các bệnh viện phải dành quá nhiều nhân lực, vật lực để phục vụ cho nhiệm vụ công ích, nhưng lại không được Nhà nước hỗ trợ, thì sức lực tài chính sẽ bị bào mòn. Gánh nặng này thể hiện khá rõ trong các đợt huy động lực lượng để phòng chống dịch Covid-19 trong hai năm vừa qua.
Tóm lại, tăng cường tính tự chủ, huy động nguồn lực xã hội để phát triển bệnh viện công là hướng đi đúng, vì không thể chỉ trông vào vốn ngân sách nhà nước để đầu tư cho công nghệ khám và điều trị hiện đại.
Hy vọng rằng việc Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai xin ngừng thí điểm tự chủ toàn diện chỉ là bước lùi tạm thời và cũng là cơ hội để Chính phủ nhận diện được các bất cập, từ đó thiết kế được cơ chế tự chủ hoàn thiện và có tính khả thi hơn.
(Theo thesaigontimes.vn)