.

Chuyển đổi số 4.0 hay 0.4: Vấn đề nằm ở con người?

Cập nhật: 14:31, 17/12/2022 (GMT+7)

Trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà trở thành yêu cầu tất yếu, khách quan đối với mỗi quốc gia và trong mọi lĩnh vực.

Với tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ, mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

a
Người dân khai hồ sơ trong bối cảnh cả nước đang thực hiện chuyển đổi số 4.0. Ảnh: Hương Giang - Duy Long

Thực tế, các cấp địa phương đang nỗ lực bắt kịp tư duy và công nghệ số hóa, kỳ vọng hình thành dần diện mạo của những chính quyền thông minh, hiệu quả. Hành chính là một trong những lĩnh vực sớm ứng dụng chuyển đổi số, nhằm đơn giản hóa thủ tục, góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian và công sức của người dân lẫn cơ quan công quyền.

Tuy nhiên, việc triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, nhiều hệ thống, ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước được triển khai, nhưng rời rạc, thiếu kết nối; sử dụng tài nguyên chưa hiệu quả, còn trùng lặp. Nhiều đơn vị chuyển đổi số kiểu nửa vời, hình thức. Người dân, doanh nghiệp vẫn phải cung cấp lặp lại thông tin cho cơ quan Nhà nước khi thực hiện thủ tục hành chính. Cơ quan Nhà nước vẫn yêu cầu người dân cung cấp những giấy tờ do chính các cơ quan Nhà nước cấp trước đó.

Câu chuyện thực tế từ một người bạn của tôi đó là việc bạn tôi lên công an Phường (một phường ở Đà Nẵng) để xin chữ ký và xác nhận vào bản Sơ yếu lý lịch để bổ sung hồ sơ cho đơn vị đang công tác. Thế nhưng cả nguyên một tháng vẫn chưa gặp được đồng chí phụ trách để xin chữ ký, đến khi gặp được thì lại được thông báo “bận đi học” nên vẫn chưa xác nhận được. Trong khi thực tế giải quyết thủ tục đó chỉ mất chậm lắm 10 phút. Há chẳng phải là đồng chí kia đang “hành dân” đấy sao?

Chia sẻ câu chuyện về thủ tục xin giấy xác nhận ở xã, có người dân phản ánh: “Một nghịch lý là làm thủ tục thời 4.0 còn mệt hơn ngày xưa. Vì gồm 4.0 bước: Bước 1: Lên trang dịch vụ công đăng ký và nộp đơn; Bước 2: Chờ duyệt của dịch vụ công; Bước 3: Ra phường nộp bản cứng; Bước 4: Đợi phường trả kết quả. Chả hiểu sao lắm bước thế, trong khi đã đăng ký trên trang dịch vụ công và xử lý trên đó rồi, mà còn bắt người dân chạy đi chạy lại. Nếu không có 4.0 thì chỉ cần ra phường xin cái mẫu, khai 5 phút rồi chờ kết quả”.

Hoặc, nếu phải sử dụng một hình ảnh để mô tả thực trạng hành chính công trong những năm dịch bệnh vừa qua, hãy nhìn lại những dòng người xếp hàng: xin giấy đi đường, làm hộ chiếu, làm thủ tục xuất ngoại, làm thủ tục nhận trợ cấp và vẫn đang diễn ra dòng người xếp hàng rút bảo hiểm xã hội...

a
Người dân đến đến trụ sở Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn ở TP HCM để rút bảo hiểm một lần. Ảnh: Hương Giang - Duy Long

Những ngày đầu tháng 12, hàng trăm người dân chờ đợi suốt đêm trước trụ sở Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn ở TP HCM, làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần. Nhiều người mang theo bánh để ăn, sạc điện thoại để giữ liên lạc và cả áo mưa để nằm ngả lưng khi quá mệt..v..v.

Từ những câu chuyện trên cho thấy, chuyển đổi số phải thực hiện tuyệt đối chứ không thể là hình thức. Điều đó chưa bao giờ là dễ dàng, nếu không muốn nói là phần đông sẽ thất bại. Đã có không ít cơ quan, đơn vị tổ chức bị vướng vào chuyển đổi số kiểu nửa vời, hoặc thậm chí là rơi vào bẫy “chuyển đổi số hình thức” trong thời gian qua.

Thành thử, chuyển đổi số nửa vời còn tai vạ hơn là làm theo cách cũ nhất là với những người không rành công nghệ thông tin hoặc không có phương tiện, thiết bị công nghệ thông tin. Thậm chí, đến bây giờ nhiều người dân ở nhiều địa phương cũng chưa biết, chưa hiểu về cái gọi là “chuyển đổi số” là gì, thực hiện ở những lĩnh vực nào, lợi hại ra sao? Đó là chưa nói đến chuyện một số cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương cũng chưa thành thạo việc “chuyển đổi số”.  Vậy người dân khi cần giải quyết thủ tục hành chính thì phải làm sao?

Chuyên gia Trần Bằng Việt nói rất hay rằng: “Chuyển đổi số không phải là vấn đề công nghệ. Đó là tư duy lãnh đạo, là việc thay đổi tư duy quản trị doanh nghiệp. Nếu chuyển đổi số thành công thì dó là “thành quả” chung của cả tập thể tổ chức/doanh nghiệp; nhưng nếu nó thất bại, trách nhiệm trước tiên và lớn nhất thuộc về người lãnh đạo đơn vị đó!

Liên quan đến vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia Nguyễn Phú Tiến cũng nói: “Trước hết cần thay đổi nhận thức, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và người dân. Tiếp đến cần phát triển hạ tầng số, nền tảng số, các ứng dụng – cơ sở dữ liệu và dịch vụ số, bảo đảm an ninh mạng. Mọi sự chuyển đổi phải lấy người dân làm trung tâm”.

Có thể nói, chuyển đổi số Quốc gia sẽ giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. Đó là một định hướng đúng và trúng của Chính phủ.

Nhưng để giải quyết được, trước hết cần tìm ra mọi nút thắt của quá trình chuyển đổi số và có giải pháp xử lý triệt để. Nếu không thì sẽ lưng chừng, nửa vời, khi đó rất khó cho cả dân và cán bộ, vô tình chúng ta lại quay về với thời 0.4.

Theo diendandoanhnghiep.vn

.
.
.