Đừng để "ma men" dẫn lối trong dịp Tết
Ngoài việc ra quân tăng cường xử lý vi phạm trong dịp Tết, chúng ta phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật giao thông, qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành giao thông của người dân, hình thành văn hóa “đã uống rượu, bia - không lái xe”.
Theo Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), trong 2 tháng thực hiện cao điểm (từ ngày 15-11-2022 đến ngày 12-1-2023), xử lý chuyên đề vi phạm về nồng độ cồn là 80.672 trường hợp (trong đó: xe tải 291 trường hợp; xe con 3.639 trường hợp; xe khách 49 trường hợp; xe container 34 trường hợp; xe mô tô 75.997 trường hợp …); phạt tiền gần 400 tỷ đồng. Cả nước xảy ra 1.854 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.026 người, bị thương 1.323 người.
Đáng chú ý, qua tổng hợp của lực lượng Cảnh sát giao thông thì số lượng các trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức 3 (mức tối đa: trên 0,4 mg/1 lít khí thở theo quy định tại Nghị định 100 của Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123 năm 2021 của Chính phủ) chiếm khoảng 30% trong số các trường hợp vi phạm nồng độ cồn được phát hiện, xử lý.
Theo Thượng tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT, với mức nồng độ cồn trong hơi thở cao hơn 0,4 mg/1 lít khí thở, khi đó tinh thần, hành vi của người điều khiển phương tiện sẽ không còn tỉnh táo để nhận biết và xử lý chính xác các tình huống giao thông kéo theo nhiều vi phạm khác. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông như: vi phạm tốc độ; đi không đúng phần đường, làn đường; tránh vượt sai quy định; không chấp hành tín hiệu giao thông, đi vào đường ngược chiều..
Lực lượng CSGT đo nồng cồn người tham gia giao thông. Ảnh: TL. |
Thực tế cho thấy, dù Việt Nam đã có quy định mức xử phạt khá cao so với thu nhập của người dân, nhưng tình trạng lái xe sau khi uống rượu bia vẫn chưa chuyển biến đáng kể. Có thể thấy với thói quen sử dụng rượu, bia trong giao tiếp, sinh hoạt vẫn đang diễn ra phổ biến từ nông thôn đến thành thị, nhất là trong các dịp lễ, Tết, hiếu hỉ, liên hoan..., vấn nạn này lại càng trở lên nhức nhối, cộng với ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông còn chưa cao, dẫn đến tình trạng vi phạm điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia diễn ra phổ biến.
Những vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra những năm gần đây và đặc biệt trong dịp Tết đều phần lớn xuất phát từ việc uống rượu bia không làm chủ được tay lái, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, bức xúc của toàn xã hội.
Thêm vào đó, dù đã biết được tác hại của rượu, bia khi điều khiển phương tiện, nếu bị kiểm tra sẽ bị phạt rất nặng song không ít người vẫn bất chấp, cố tình vi phạm. Chỉ khi xảy ra hậu quả, họ mới thốt lên “biết thế”, “giá như”… thì đã quá muộn!.
Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và các lễ hội đầu xuân 2023, lực lượng CSGT toàn quốc sẽ huy động tối đa lực lượng, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông, nhất là tập trung cao độ xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma túy, chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định.... Tuy nhiên, việc ra quân tăng cường xử lý mới chỉ giải quyết được phần ngọn!.
Để tránh tình trạng “đến hẹn lại lên”, ngoài việc ra quân tăng cường xử lý vi phạm, chúng ta phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật giao thông, chú trọng đổi mới hình thức, nội dung phong phú hơn, sử dụng công nghệ số, đẩy mạnh tuyên truyền thông qua mạng xã hội (Zalo, Viber, Facebook, Youtube...) để các quy định của pháp luật, thông tin về an toàn giao thông đến được với đông đảo quần chúng nhân dân, qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành giao thông. Về phía lực lượng CSGT, cũng cần đổi mới tư duy, nhận thức phương pháp tiếp cận trong công tác này, lấy sự an toàn toàn của nhân dân làm mục tiêu hàng đầu.
An toàn giao thông là trách nhiệm của toàn xã hội và mỗi gia đình, mỗi cá nhân, do đó, mỗi người dân, cán bộ tham gia giao thông cần tự giác chấp hành pháp luật, hình thành văn hóa, thói quen “đã uống rượu, bia - không lái xe”, đừng vì chén rượu xuân mà để xảy ra những điều đáng tiếc!./.
(Theo dangcongsan.vn)