.

Góc nhìn giáo dục: Liêm chính học thuật

Cập nhật: 10:55, 17/07/2023 (GMT+7)

Trong giáo dục con trẻ, người lớn làm mẫu để trẻ sao chép, bắt chước làm theo là con đường đơn giản và gần gũi nhất để trao truyền kiến thức, kỹ năng và giá trị. Tuy nhiên, việc làm mẫu chỉ nên diễn ra ở giai đoạn đầu khi giới thiệu những ý tưởng, tham khảo cách hành văn. Còn nếu lạm dụng việc làm mẫu, có thể dẫn đến sự triệt tiêu khả năng sáng tạo, hình thành thói quen ỷ lại, lệ thuộc vào người lớn của con trẻ.

Sống trong thế giới số, mọi điều chúng ta làm đều có thể bị công khai. Việc sử dụng ý tưởng, sản phẩm của người khác và biến thành của mình hay không công bố nguồn đều bị coi là hành vi cấm kỵ, dẫn đến những rủi ro về mặt đạo đức.

Vụ việc đạo văn trong Cuộc thi Genius Olympiad khiến ban tổ chức thu hồi giải thưởng của học sinh và cấm thầy giáo hướng dẫn học sinh này tham gia giám sát đến hết năm 2024 để lại bài học về sự trọng thành tích của người lớn đã vô tình kéo học sinh vào vòng xoáy của sự thiếu trung thực, thiếu tôn trọng người khác và chính bản thân mình, làm tổn hại cái tôi của con trẻ vì sự gian lận, thiếu chuyên nghiệp. Nó cũng tước đi mọi cơ hội để học tại Mỹ trong tương lai của học sinh, kể cả khi hồ sơ của em đủ điều kiện chỉ vì "vết sẹo" về liêm chính học thuật đã bị công khai trên truyền thông.

Ảnh minh họa: TTXVN
Ảnh minh họa: TTXVN

Chúng ta hãy thử thành thật với nhau. Hiện có bao nhiêu cha mẹ đã, đang và sẽ sử dụng tài chính và vị thế xã hội của mình để gây ảnh hưởng giúp con có ưu thế thành tích cao hơn mức năng lực thực sự của con? Thử hỏi có bao nhiêu người thầy vẫn vô tư triệt tiêu năng lực tư duy độc lập và sự sáng tạo của trẻ nhỏ bằng cách gà ý tưởng, làm hộ mẫu, thậm chí làm hộ nhằm giúp học trò đoạt giải thưởng và qua đó xây dựng thương hiệu cho cá nhân mình?

Bản chất của các cuộc thi nộp phí để tham dự và chỉ nhận danh hiệu như Genius Olympiad vốn chỉ là cơ hội để trẻ kết nối, trải nghiệm, mở rộng nhãn quan ra thế giới. Nhưng người lớn đã làm méo mó ý nghĩa của nó, biến nó thành cuộc đua thành tích, một lớp sơn tráng để đánh bóng hình thức bên ngoài của các bộ hồ sơ năng lực mà cha mẹ thiếu tự tin.

Mong muốn cho con được đi học ở những ngôi trường hàng đầu trên thế giới không có gì là sai. Nếu học sinh tự xác định mục tiêu, có khát vọng, cam kết và động lực hoàn thành đủ các điều kiện về điểm GPA, IELTS, thành tích hoạt động xã hội, nghiên cứu khoa học... thì không có gì đáng bàn. Nhưng nhiều bậc cha mẹ đã phải chi trả hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng cho các trung tâm tư vấn du học để họ làm mẫu, làm hộ phần làm đẹp hồ sơ, còn học sinh chỉ việc ngồi chờ đến giờ là lên đường thì câu chuyện lại hoàn toàn khác.

Hệ quả rất nhanh là nhiều em được nhận vào những ngôi trường xuất sắc ở Mỹ, Anh, Australia nhưng không theo học nổi, trở nên tự ti, thu mình, mất động lực và ý chí phấn đấu, rơi vào trầm cảm, xuất hiện ý định tự sát...

Vì vậy, người lớn cần rút ra bài học rằng mục tiêu cho con không chỉ là những danh hiệu và thành tích. Mục tiêu lớn hơn là giúp các con phát triển nhân cách toàn diện, giỏi về kiến thức, mạnh về sức khỏe tinh thần và thành thạo những kỹ năng thích ứng với sự thay đổi của cuộc sống.

Xây dựng cho con lòng tin vào bản thân, khuyến khích sự tự lập, tự chủ trong tư duy, sự sáng tạo trong cách làm, dạy con về tầm quan trọng của sự trung thực, tôn trọng người khác và tôn trọng chính bản thân. Chính cha mẹ rất cần làm mẫu việc liêm chính học thuật vì nó là yếu tố quan trọng để con xây dựng một tương lai bền vững.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.