Thứ Hai, 28/08/2023, 09:24 (GMT+7)
.

Đại án Việt Á và việc phân loại đối tượng vi phạm

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), đồng thời chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố 38 bị can. Đây là vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực tiếp chỉ đạo; liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, trong đó có những người từng là lãnh đạo cấp cao.

Các bị can trong vụ án. Nguồn: BỘ CÔNG AN
Các bị can trong vụ án. Nguồn: BỘ CÔNG AN

Trước khi cơ quan công an hoàn tất kết luận điều tra, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã họp phiên thứ 24. Tại phiên họp này một lần nữa khẳng định việc “phân loại đối tượng” để xử lý trong vụ Công ty Việt Á. Thông tin sau khi phiên họp kết thúc, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho biết, “chùm án Việt Á” xảy ra trong bối cảnh chống dịch nên nhiều vi phạm, sai phạm là vì mục tiêu chống dịch, vì thế cần phân loại để xử lý.

Trong đó, cơ quan chức năng sẽ nghiêm trị những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tác động, chỉ đạo cấp dưới làm trái quy định, đem lại lợi ích bất hợp pháp cho Công ty Việt Á; người chủ mưu, cầm đầu, người tích cực thực hiện vì động cơ vụ lợi đã chiếm, hưởng số tiền lớn. Nhóm “thứ yếu” sẽ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là nhóm phải thực hiện mệnh lệnh và đặc biệt không có động cơ vụ lợi, không được hưởng lợi. Trong bối cảnh cấp trên, cấp có thẩm quyền chỉ đạo, họ phải thực thi để có kit xét nghiệm phục vụ cho người dân; đồng thời, theo chức năng, nhiệm vụ của mình, họ chỉ biết làm vì việc chung. Nhóm đối tượng này sẽ được xem xét để tha hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và không phải chịu trách nhiệm dân sự.

Chủ trương này được dư luận đánh giá cao vì rất kịp thời, nhất là đối với công tác bảo vệ chính đội ngũ cán bộ cấp dưới khi phải thực hiện một mệnh lệnh trái pháp luật mà không có cơ chế để chống lại nếu không muốn bị kỷ luật, đuổi việc. Tinh thần của chủ trương này đã được quy định tại Điều 26 Bộ luật Hình sự 2015: “Người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người ra mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Thực tiễn hiện nay, người ra mệnh lệnh hành chính không để lại “dấu vết” cần phải xem xét kỹ, xử lý nghiêm minh. Đây là thực trạng mất dân chủ trong thực hiện công vụ, biểu hiện ở việc cấp trên ra “lệnh miệng” cho cấp dưới, không để lại “dấu tích”. Người bị ra “lệnh miệng”, được cấp trên giao việc mà không làm sẽ phải chịu rất nhiều áp lực. Khi xảy ra án, cơ quan pháp luật vào cuộc, chứng cứ lại tập trung ở người thực hiện mệnh lệnh, còn người ra “lệnh miệng” lại không liên quan.

Trong từng vụ án, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải xem xét rõ nguyên nhân và điều kiện phạm tội, vai trò của họ trong vụ án, mạnh dạn áp dụng những quy định của Bộ luật Hình sự để có thể miễn truy cứu trách nhiệm hình sự với họ. Đây cũng là cơ chế để có thể bảo vệ những người trung thực, thẳng thắn. Vì thế, chủ trương phân loại, xử lý của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với “chùm án Việt Á” là hết sức cần thiết, vừa nhân văn, vừa đúng quy định pháp luật và cần tiếp tục phát huy ưu điểm, giá trị của chủ trương này với các vụ án phức tạp khác.

(Theo sggp.org.vn)


 

.
.
.