"Quân pháp bất vị thân" khi xử vi phạm nồng độ cồn
Kết quả xử lý bước đầu cho thấy quan điểm "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ" đã được chứng minh khá rõ.
Những ngày qua, Cục Cảnh sát giao thông đã phối hợp với công an nhiều địa phương trực tiếp kiểm soát phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn các tỉnh.
Điều rất đáng chú ý là trong hàng trăm trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý, có nhiều trường hợp khai nhận là phóng viên, nhà báo và nhiều cán bộ, công chức.
Thậm chí, lần này hàng loạt giám đốc, trưởng phòng, bí thư, chủ tịch huyện, đội trưởng cảnh sát giao thông, chủ tịch phường vi phạm cũng đã bị xử lý, công khai danh tính.
Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn đối với một lái xe là chủ tịch UBND một huyện ở Thừa Thiên - Huế và phát hiện ông này vi phạm nồng độ cồn.
Vừa qua Cục CSGT phát hiện nhiều cán bộ, công chức vi phạm nồng độ cồn ở các địa phương. |
Có thể thấy, việc Cục Cảnh sát giao thông đưa các tổ công tác về các địa phương xử lý vi phạm giao thông, nhất là nồng độ cồn đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Từ trước tới nay, việc một bí thư huyện ủy hay chủ tịch huyện, đội trưởng cảnh sát giao thông bị xử lý vi phạm nồng độ cồn khi lái xe là điều rất hiếm.
Nhưng rõ ràng lần này đã khác. Kết quả xử lý bước đầu cho thấy quan điểm "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ" đã được chứng minh khá rõ.
Đặt trường hợp người vi phạm là bí thư hay chủ tịch huyện, nếu không phải tổ công tác thuộc lực lượng của Cục Cảnh sát giao thông, liệu có chuyện xuê xoa, nể nang hay không?
Tại Thủ đô, nhằm xử lý triệt để các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn, Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội đã lập 14 tổ công tác xử lý vi phạm chéo địa bàn. Khung giờ được chú trọng xử lý là từ 22h hôm trước đến 3h sáng hôm sau.
Với việc 14 tổ công tác kiểm tra chéo như vậy, những tài xế uống rượu bia rất khó thoát. Và có lẽ, các địa phương cũng nên tham khảo mô hình này của Hà Nội, từ đó xử lý triệt để tình trạng người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia tham giao thông.
Thời gian qua, việc xử lý lỗi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện đã được triển khai quyết liệt, từ đó góp phần kéo giảm tai nạn giao thông. Tuy nhiên, thực tế không ít người vẫn chưa nhận thức được sự nguy hiểm của hành vi này, nên vẫn cố tình vi phạm.
Và với người dân bình thường đã là không được, thì với cán bộ đảng viên, giữ cương vị cao thì hành vi uống rượu bia lái xe càng khó chấp nhận. Và khi tai nạn xảy ra thì không những người vi phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, mà còn gây tai họa cho những người khác.
Điển hình như trường hợp của ông L.V.Th (SN 1995, cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) lái ô tô xảy ra đâm va với xe đạp do một phụ nữ điều khiển vào tối 13/9.
Sau tai nạn, nạn nhân tử vong, còn ông Th lái ô tô bỏ trốn và kéo lê chiếc xe đạp của nạn nhân chạy suốt đoạn đường khoảng 5km mới bị người dân chặn lại. Cảnh sát xác định ông Th vi phạm nồng độ cồn mức rất cao.
Vừa qua, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 10 về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.
Thủ tướng yêu cầu xử lý các vi phạm giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm giao thông; nghiêm cấm lực lượng chức năng "xuê xoa", bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức.
Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị.
Mong rằng việc triển khai Chỉ thị của Thủ tướng sẽ được các cấp các ngành thực hiện nghiêm, quyết liệt như vừa qua đã làm. Chắc chắn chỉ thời gian ngắn sẽ tạo chuyển biến tích cực, tiến tới hình thành thói quen, văn hóa "đã uống rượu bia không lái xe", trước hết trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đến nhân dân.
TS. Phạm Quang Long
Theo Báo điện tử Giao Thông