Góc nhìn giáo dục: Ứng xử chuẩn mực
Trong tuần qua, liên tiếp các vụ việc liên quan đến vấn đề ứng xử thiếu chuẩn mực của giáo viên gây bức xúc dư luận.
Vụ nữ sinh lớp 12 tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) chỉ vì mua không đúng loại bánh sinh nhật theo yêu cầu mà bị cô giáo nhục mạ, đe dọa chưa kịp lắng xuống thì đến việc thầy giáo ở Thạch Thất (Hà Nội) đứng trên bục giảng bóp cằm, chỉ vào mặt và mắng chửi học sinh, hay cô giáo ở Nghi Sơn (Thanh Hóa) đánh học sinh đến bầm tím.
Rồi mới đây nhất, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lâm (Hà Nội) phải đề nghị UBND thị trấn Trâu Quỳ ra văn bản đóng cửa cơ sở mầm non tư thục Ngôi Sao Nhỏ vì giáo viên dúi đầu, bóp miệng trẻ 14 tháng tuổi, gây phẫn nộ trong dư luận. Những hành vi lệch chuẩn, đáng lên án này khiến nhiều người lo lắng về đạo đức nhà giáo và môi trường học đường khi giáo viên là những người tạo nên chất lượng giáo dục, tác động trực tiếp đến sự trưởng thành, nhân cách và tương lai của trẻ em.
Ảnh minh họa: Chinhphu.vn |
Thực tế nghề giáo ngày nay có nhiều áp lực. Cộng dồn áp lực với việc học sinh không đáp ứng theo yêu cầu khiến nhiều thầy cô cảm thấy căng thẳng, stress, dẫn đến không kiểm soát cảm xúc, có hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực. Sự việc càng bị đẩy lên phức tạp khi cách giải quyết vấn đề chưa đặt học sinh và quyền lợi của học sinh lên hàng đầu. Do đó, dù vì lý do gì, những hành vi như của các giáo viên nêu trên đều không thể bao biện.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định về quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Theo đó, ngoài những nguyên tắc chung, giáo viên phải có ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ người học; tích cực phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, không bạo hành, xâm hại... với học sinh. Giáo viên cần ý thức được quyền hạn của mình cũng như quyền của học sinh. Cả giáo viên, học sinh, môi trường học tập và xã hội ngày nay đã có nhiều điều khác trước nhưng có một thứ không bao giờ thay đổi: Giáo viên phải luôn là hình mẫu ứng xử chuẩn mực, là tấm gương để học sinh nhìn vào noi theo. Giáo viên không nên giữ lối hành xử theo xu hướng lạm dụng quyền lực mà thiếu tôn trọng học sinh hay phụ huynh học sinh.
Đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo có vai trò rất quan trọng đối với sự nghiệp giáo dục. Vì thế, ngành giáo dục cần sớm có biện pháp, chế tài mạnh mẽ hơn để chấn chỉnh, xử lý nghiêm các thầy, cô giáo có hành vi lệch chuẩn. Các giáo viên khác cũng nên xem đây là bài học cho mình trong ứng xử với học sinh. Ngoài ra, để “chữa bệnh” từ gốc, theo các chuyên gia, thầy, cô giáo cũng cần được tư vấn tâm lý và trang bị đầy đủ những kỹ năng ứng xử phù hợp với giáo dục hiện đại.
(Theo qdnd.vn)