Trách nhiệm với chính mình
Việc lựa chọn môn học sẽ tốt hơn nếu các em được định hướng ngay từ THCS...
Ảnh minh họa ITN. |
Chương trình GDPT 2018 quy định giáo dục cơ bản kết thúc ở lớp 9; cấp THPT là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp và được triển khai ở lớp 10 từ năm học 2022 - 2023.
Theo đó, ở cấp THPT, học sinh học 8 môn học/ hoạt động giáo dục bắt buộc và lựa chọn 4 môn từ các môn học lựa chọn. Từ tháng 4/2022, Bộ GD&ĐT có văn bản hướng dẫn nhà trường xây dựng các tổ hợp môn học, để vừa đáp ứng nhu cầu học sinh, vừa bảo đảm phù hợp điều kiện của nhà trường.
Trong năm đầu tiên triển khai, hầu hết trường THPT đã cố gắng đáp ứng tối đa nhu cầu học sinh (dựa trên kết quả khảo sát nhu cầu học tập của người học; điều kiện đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học). Các tổ hợp môn học lựa chọn được công khai trong phương án tuyển sinh; kèm theo đó là giải pháp tư vấn hướng nghiệp, giúp học sinh lựa chọn môn học phù hợp.
Tuy nhiên, không tránh khỏi việc học trò muốn chuyển đổi môn học sau một thời gian. Trong số này, có em muốn thay đổi môn đăng ký thi tốt nghiệp, xét tuyển đại học; nhưng cũng không ít trường hợp vì lý do chuyển trường.
Đáp ứng nhu cầu của các em, tháng 1-2023, Bộ GD&ĐT có hướng dẫn cụ thể nội dung này. Theo đó quy định rõ việc lựa chọn môn học, cụm chuyên đề học tập của học sinh cần giữ ổn định đến hết lớp 12.
Chuyển đổi chỉ trong trường hợp đặc biệt và thực hiện vào cuối năm học để bảo đảm thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, quy định về kiểm tra, đánh giá, thời gian để học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng.
Các em phải có kế hoạch và bản cam kết tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của chương trình môn học mới ở năm học trước đó để đủ năng lực học lớp tiếp theo. Nhà trường có giải pháp phù hợp hỗ trợ học sinh bổ sung kiến thức và kiểm tra, đánh giá việc tự hoàn thiện của học sinh.
Quy định trên là cần thiết để từng học sinh, phụ huynh có trách nhiệm, cẩn trọng, suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi đặt bút chọn môn; cũng đòi hỏi trách nhiệm lớn hơn của nhà trường trong công tác hỗ trợ, tư vấn. Bởi sẽ tốt nhất cho người học nếu giữ ổn định các môn trong 3 năm THPT.
Thử hình dung, một học sinh chưa từng học Vật lý lớp 10, nhưng lên lớp 11 lại muốn học môn này sẽ phải nỗ lực lớn thế nào mới có thể lấp đầy khối lượng kiến thức mới mẻ của cả năm học.
Chúng ta không phủ nhận việc xây dựng và thực hiện giảng dạy theo các tổ hợp ở THPT hiện còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp, nhu cầu của học sinh. Ví như, có trường chỉ xây dựng được 2 đến 3 tổ hợp môn học; hầu hết trường THPT chưa tổ chức dạy học các môn Mỹ thuật, Âm nhạc... Việc này cần có giải pháp dần khắc phục để thực hiện được định hướng giáo dục nghề nghiệp ở THPT.
Với việc lựa chọn môn học, có lẽ khó đòi hỏi tuyệt đối không có học sinh dao động, muốn thay đổi. Tuy nhiên, mọi việc sẽ tốt lên nếu các em được định hướng ngay từ THCS; tiếp cận sớm với phương án xây dựng tổ hợp của nhà trường; có sự đồng hành, định hướng, hỗ trợ thực sự trách nhiệm của gia đình, nhà trường và nắm vững quy định khắt khe khi muốn chuyển đổi môn học.
Tốt hơn nữa khi mỗi trường có đủ nguồn lực cả về cơ sở vật chất, con người để có thể đáp ứng đủ nhu cầu lựa chọn môn của học sinh; hướng tới thực hiện được “tổ chức riêng các lớp theo từng môn học, chuyên đề học tập lựa chọn” như khuyến khích của Bộ GD&ĐT.
(Theo giaoducthoidai.vn)