.

Duy trì nguồn cung và chất lượng gạo xuất khẩu

Cập nhật: 09:11, 09/11/2023 (GMT+7)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 10 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 7,1 triệu tấn gạo, tương ứng giá trị gần 4 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

a
Dự báo thị trường gạo xuất khẩu sẽ còn tiếp tục sôi động thời gian tới.

Bộ Công thương dự báo cả năm 2023, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt khoảng 4,5 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay.

Số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng cho thấy, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam hiện ở mức 653 USD/tấn, trong khi gạo cùng loại của Thái Lan là 562 USD/tấn và Pakistan là 568 USD/tấn. Trong 10 tháng qua, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam ước đạt 558 USD/tấn, tăng 15,3% so cùng kỳ năm 2022.

Từ giờ đến cuối năm, dự báo giá gạo xuất khẩu sẽ còn tiếp tục tăng do biến động kinh tế, chính trị, xã hội trên thế giới kéo theo nhu cầu tăng dự trữ lương thực của nhiều quốc gia. Ngay cả các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia hay Trung Quốc cũng vẫn gia tăng lượng gạo nhập khẩu.

Trong khi đó, lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ có thể sẽ còn kéo dài do sản lượng gạo niên vụ 2023-2024 của nước này được dự báo sẽ giảm 3% so với niên vụ trước, tương đương khoảng 4 triệu tấn gạo. Đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam tăng xuất khẩu gạo những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024.

Tuy nhiên, đẩy mạnh xuất khẩu gạo cũng phải đồng nghĩa với việc tập trung sản xuất trong nước để duy trì nguồn cung ổn định vì nếu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu tới 8 triệu tấn gạo thì nguồn cung dự trữ sẽ không còn nhiều, cần tính toán cụ thể để bảo đảm thực hiện tốt các hợp đồng ký mới cho năm 2024.

Bên cạnh đó, giá bán lúa gạo hợp lý tại thị trường trong nước cũng cần được điều tiết nhằm thúc đẩy thu mua lúa gạo phục vụ xuất khẩu.

Nếu giá lúa gạo bị đẩy lên quá cao thì nông dân sẽ trữ hàng, doanh nghiệp tranh mua tranh bán tạo ra sự hỗn loạn trên thị trường, ảnh hưởng đến việc thực hiện đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu, và xa hơn có thể ảnh hưởng đến cả chất lượng gạo xuất khẩu do doanh nghiệp không mua kịp đúng chủng loại cần thiết.

Thực tế, tại đồng bằng sông Cửu Long thời điểm này, các giao dịch trên thị trường cũng đang chậm do nông dân hạn chế bán ra khiến nguồn cung gạo ở mức thấp.

Mặt khác, dù thị trường thế giới đang căng thẳng về nguồn cung, nhưng các loại gạo thơm, chất lượng cao vẫn đang là lựa chọn ưu tiên của các nước nhập khẩu.

Riêng Trung Quốc - thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh thời gian qua - đang rất ưa chuộng các giống ST 21, 24, 25. Xuất khẩu gạo đặc sản vào các thị trường châu Mỹ, châu Âu và châu Đại Dương thời gian qua cũng ghi nhận sự tăng trưởng nhanh.

Chính vì vậy, các địa phương cần tiếp tục duy trì sản xuất các giống lúa chất lượng cao, lúa thơm, lúa đặc sản, áp dụng các quy trình thực hành nông nghiệp tốt để gia tăng giá trị.

Trong đó, các địa phương đẩy mạnh thực hiện các nội dung của đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhằm nâng cao chất lượng gạo, giảm phát thải khí nhà kính, tạo ra những sản phẩm phù hợp tiêu chí sản xuất xanh, tiêu dùng xanh bền vững trên toàn cầu.

Theo nhandan.vn


 

.
.
.