.

Góc nhìn giáo dục: Nhập hay tan trong giáo dục văn hóa lễ hội?

Cập nhật: 11:29, 06/11/2023 (GMT+7)

"Bị ghẹo hay cho kẹo?" là câu hát của trẻ em phương Tây trong trò chơi vào mỗi dịp lễ hội Halloween. Khi lễ hội này du nhập vào các nước phương Đông thì vấn đề không còn ở một trò chơi của trẻ nhỏ nữa mà là câu chuyện hòa nhập hay hòa tan với văn hóa lễ hội nước sở tại.

Hơn ai hết, người Hàn Quốc có lẽ giờ đây là những người chịu ám ảnh nặng nề nhất từ việc chạy theo trào lưu của lễ hội này trong thảm họa Itaewon cuối tháng 10-2022. Năm nay, nhiều nơi ở Hàn Quốc, người ta đã không còn tổ chức Halloween nữa.

Tại Việt Nam, nhiều trường học cũng nói không với lễ hội này. Quyết định này dù gây chút tiếc nuối cho một số phụ huynh nhưng đa số lại vỗ tay tán thưởng. Những người tiếc nuối cho rằng, nếu được tổ chức tốt, lễ hội trên vẫn có thể tạo ra cơ hội vui vẻ giúp trẻ hiểu thêm về văn hóa các nước khác, có cái nhìn đa chiều để hòa nhập với thế giới.

Việt Nam có rất nhiều lễ hội mang ý nghĩa tốt đẹp mà không hề kém cạnh về độ hấp dẫn, sôi nổi với các lễ hội của phương Tây.  Ảnh minh họa: toquoc.vn
Việt Nam có rất nhiều lễ hội mang ý nghĩa tốt đẹp mà không hề kém cạnh về độ hấp dẫn, sôi nổi với các lễ hội của phương Tây. Ảnh minh họa: toquoc.vn

Thế nhưng hầu hết lại nghĩ rằng, muốn trẻ hòa nhập về văn hóa thì có rất nhiều cách khác, nhiều ngày lễ khác như Noel, năm mới, Ngày của cha, Ngày của mẹ... mà không cứ phải là một dịp gắn liền với những hình ảnh kinh dị, kỳ quái như Halloween.

Ngay cả muốn trẻ hiểu về Halloween thì cũng còn nhiều cách khác như qua bài học thêm, đố vui, trò chơi nhẹ nhàng... thay vì chỉ đua nhau hóa trang thành ma quỷ, khoe nhau những hình ảnh toàn máu me, chết chóc đầy ghê rợn... Việc hòa nhập cần chọn lọc chứ không phải bạ đâu nhập đó, hệ lụy là chẳng mấy thế hệ trẻ của chúng ta sẽ chỉ là những “công dân bị hòa tan” mà thôi.

Thành thật mà nói, khi du nhập vào Việt Nam, Halloween không giới thiệu được nhiều ý nghĩa nhân văn vốn có mà bị biến tướng thành những dạng a dua, bắt chước mù quáng. Ngoài đưa đến những hình ảnh không phù hợp với văn hóa Việt Nam, ảnh hưởng đến tâm lý non nớt của trẻ nhỏ, lễ hội ma quỷ này không chỉ ít tính giáo dục mà còn tạo thêm gánh nặng cho nhiều phụ huynh khi đứng trước quyết định có mua phụ kiện hóa trang cho con hay không. Không mua thì con lạc lõng, còn mua thì tốn kém, nhiều bộ đồ cồng kềnh khiến việc đi lại của trẻ khó khăn và nguy hiểm.

Việt Nam có rất nhiều lễ hội mang ý nghĩa tốt đẹp mà không hề kém cạnh về độ hấp dẫn, sôi nổi với các lễ hội của phương Tây. Trẻ em Việt Nam cần hiểu về các hoạt động văn hóa của các dân tộc Việt Nam trước khi hòa mình vào hoạt động văn hóa nước ngoài.

Vậy tại sao chúng ta không nâng tầm hay học hỏi những cách thức tổ chức thú vị cho những lễ hội cổ truyền của dân tộc, phù hợp với người Á Đông cho trẻ nhỏ mà phải chạy theo các lễ hội phản cảm của phương Tây? Hãy để trẻ em, những “mầm xanh” tương lai đất nước của chúng ta được truyền tải những thông điệp ý nghĩa, giúp làm đẹp thêm cuộc sống thay vì những thứ văn hóa lai căng không phù hợp với thuần phong mỹ tục nước nhà.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.