.

Đơn ảo, hệ lụy thật

Cập nhật: 11:28, 24/12/2023 (GMT+7)

Gần đây, giới trẻ nổi lên trào lưu làm thêm đúng nghĩa “ngồi mát ăn bát vàng” khi tham gia đặt đơn ảo trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT). Chỉ mất vài phút cầm điện thoại thông minh là họ có thể kiếm mấy chục nghìn đồng/đơn, thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng.

Trả tiền cho những người trẻ này là các chủ cửa hàng bán đồ trực tuyến đánh lừa người tiêu dùng bằng cách tạo uy tín giả. Nhiệm vụ của những người làm thuê là chấm 5 sao cùng nhận xét, bình luận khen sản phẩm hết lời, như mình đã từng sử dụng. Lợi dụng tâm lý của người mua thường chọn những sản phẩm được đánh giá tốt, chấm nhiều sao nên nhiều chủ cửa hàng làm ăn bất lương đã tìm đủ mọi chiêu trò để “móc túi" người dân.

Hiện nay, các sàn TMĐT có hệ thống quét để phát hiện đơn ảo, nhưng máy móc dù có hiện đại đến đâu cũng không thể tinh vi bằng hành vi của con người. Hơn nữa, có một số sàn TMĐT buông lỏng kiểm soát hoạt động bán hàng của cá nhân, đơn vị đăng ký kinh doanh bởi áp lực về doanh số, thứ hạng, lượng truy cập...

Ảnh minh họa: hht.edu.vn
Ảnh minh họa: hht.edu.vn

Không những tốn tiền mua phải sản phẩm kém chất lượng, người tiêu dùng còn đối mặt với những hệ lụy khôn lường. Mua một cái áo, đôi giày, chiếc váy... không như ý, nhiều người đành tặc lưỡi "thôi lần sau chừa". Nguy hại nhất là mua phải những thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, được các chủ cửa hàng trực tuyến thổi phồng công dụng như thần dược, nhưng khi sử dụng thì rơi vào cảnh "tiền mất tật mang".

Thời đại công nghệ số, chỉ cần có vốn và thạo công nghệ thông tin, nhiều người ngồi ở nhà cũng có thể bán hàng khắp toàn quốc. Theo thống kê của Bộ Công Thương, năm 2023, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ Việt Nam ước đạt 20,5 tỷ USD, chiếm 8% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước, đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 25%/năm. Bên cạnh những chủ cửa hàng bán hàng chất lượng, mang đến sự tiện ích cho người tiêu dùng thì có một bộ phận không nhỏ người bán vì chạy theo lợi nhuận mà bán rẻ lương tâm với những món hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng trộm cắp. Mặc dù luật pháp Việt Nam đã có những quy định về hoạt động TMĐT, nhưng với sự thay đổi không ngừng của công nghệ số, nhiều quy định đã trở nên lạc hậu. Tận dụng kẽ hở này, nhiều chủ kinh doanh ngang nhiên “móc túi” người tiêu dùng bằng những chiêu trò bẩn.

Muốn đứng vững trên thương trường, muốn cái tâm được thanh thản thì trước hết người bán phải trọng chữ tín, buôn ngay bán thẳng mới bền. Các chủ cửa hàng tạo uy tín bẩn, đánh lừa người tiêu dùng đáng bị lên án và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, nhưng những người tiếp tay khi tham gia đặt đơn ảo cũng đáng trách không kém. Làm thêm để trang trải cuộc sống là mục đích chính đáng, nhưng những đồng tiền đó phải sạch mới đáng trân trọng, đáng quý, chứ không phải là nhắm mắt kiếm tiền, đồng lõa phạm tội, tiếp tay cho cái xấu, làm ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp, gây bất ổn xã hội cũng như quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

(Theo www.qdnd.vn)

 

.
.
.