Mới đi đoạn đường đã nản
Sinh viên chọn cách bỏ học giữa chừng đang là hiện tượng có xu hướng tăng lên, song để đúc kết, tìm ra nguyên nhân lại không dễ, vì mỗi sinh viên bỏ học lại có hoàn cảnh khác nhau và có nhiều sự lựa chọn mang tính bắt buộc, như: Do mưu sinh, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn để có thể theo được con chữ...
Khi nhớ về thời đại học, chắc hẳn nhiều người từng có suy nghĩ: “Tại sao mình lại chọn ngành này nhỉ, mình học ra mai sau có việc làm không, ngành này chán quá, biết thế mình không chọn nó...”. Sẽ có rất nhiều câu hỏi được chúng ta đặt ra khi bước vào một môi trường làm thay đổi suy nghĩ cũng như cách học, khiến nhiều bạn trẻ chán nản với ngành nghề mình lựa chọn vì không tìm thấy sự yêu thích cũng như động lực trong ngành mình theo đuổi.
Minh họa: THÁI AN |
Nhưng có lẽ vấn đề lại ở quyết định của các bạn trẻ khi chuẩn bị đăng ký ngành học và chọn trường đại học. Mọi người thường bảo chọn ngành nghề phù hợp với bản thân, nhưng ở độ tuổi 18 chưa trưởng thành về suy nghĩ, rất khó để biết công việc nào phù hợp với bản thân.
Một lý do không thể không nhắc tới đó chính là tài chính. Nhiều sinh viên lên đại học, vì gia đình có hoàn cảnh không mấy dư dả nên muốn tìm một công việc có thể phụ giúp gia đình chi trả học phí cũng như tiền sinh hoạt. Một khi đã lao ra ngoài kiếm tiền thì chính đồng tiền lại chi phối, làm thay đổi suy nghĩ của các bạn trẻ. Khi đang chán nản với những môn học khô khan trên lớp, một số bạn sẽ có suy nghĩ: Mình kiếm được tiền rồi (thường nhiều tiền vào dịp hè), mà học xong cũng không biết làm gì, chắc gì đã có việc và lương cũng không cao bằng bây giờ đi làm. Chính suy nghĩ đó khiến không ít bạn dành quá nhiều thời gian để kiếm tiền mà quên đi công việc chính là học. Từ đó dẫn tới một chuỗi việc làm tiêu cực, từ nợ môn, cúp học... và cuối cùng là bỏ học.
Vậy có cách nào để thay đổi tình trạng này? Học tập không phải là con đường duy nhất, nhưng nó là con đường cơ bản nhất dẫn đến thành công. Trong xã hội, có biết bao tấm gương thoát nghèo, làm giàu cho gia đình và quê hương khi quyết chí ăn học, dùi mài kinh sử. Không ai có thể hiểu được bản thân ngoài chính các bạn trẻ. Ở độ tuổi 19-20, mỗi sinh viên đã hiểu và nên hiểu trách nhiệm với bản thân và gia đình, xã hội. Mỗi sinh viên đều phải có trách nhiệm trước mọi quyết định hay lựa chọn của mình. Hẳn bố mẹ và người thân sẽ rất buồn khi con cháu bỏ học đại học vì một vài lý do nào đó. Việc học tuy khó khăn nhưng cha mẹ nào cũng muốn con mình cố gắng học tập để có tương lai tươi sáng. Bởi chính bố mẹ hiểu rõ việc học tập nghiêm túc sẽ là con đường giúp con em mình không phải vất vả, khó khăn như những gì mình từng trải qua.
Trong lúc bố mẹ lo lắng thì một số sinh viên đang muốn bỏ học sẽ đưa ra hàng loạt lý do, như: Chương trình học không sát thực tế, có nhiều môn không biết học để làm gì, học phí tăng, ra trường thì thị trường lao động phải đào tạo lại, lương cử nhân thấp... Những lý do trên đều có lý, nhưng khi các sinh viên có ý định bỏ học giữa chừng, xin hãy cân nhắc thật kỹ, hãy nhớ lại ngày trước mình từng vui mừng, tự hào ra sao khi thi đỗ vào đại học.
(Theo qdnd.vn)