.

Thấy gì qua PGI năm 2023 của Tiền Giang

Cập nhật: 17:05, 10/05/2024 (GMT+7)

(ABO) PGI năm 2023 vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố vào sáng ngày 9-5 cho thấy những điểm sáng của PGI Tiền Giang.

Đối với Tiền Giang, PGI năm 2023 có nhiều dấu hiệu tích cực khi đạt 22,921 điểm, xếp hạng thứ 14. Nếu so với năm 2022, PGI của Tiền Giang đã được cải thiện đáng kể (PGI năm 2022 của Tiền Giang xếp hạng 55, với 13,43 điểm).

PGI được đánh giá thông qua 4 chỉ số thành phần: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thiên tai; đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; thúc đẩy thực hành xanh; chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường. Đây cũng là chỉ số mới được khởi xướng và công bố từ năm 2022.

Xây hầm khí sinh học góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.
Xây hầm khí sinh học góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

Nếu phân tích kỹ 4 chỉ số thành phần PGI năm 2023 của Tiền Giang thì cả 4 chỉ số đều có điểm sáng tích cực so với PGI năm 2022. Cụ thể, Chỉ số Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thiên tai năm 2023 đạt 7,1 trong khi năm 2022 chỉ đạt 3,27 điểm; Chỉ số Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu năm 2023 đạt 6,31 trong khi năm 2022 chỉ 5,15; Chỉ số Thúc đẩy thực hành xanh năm 2023 đạt 3,86 trong khi năm 2022 là 3,19; Chỉ số Chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường năm 2023 đạt 5,64 trong khi năm 2022 chỉ đạt 1,88 điểm.

Như vậy, cả 4 chỉ số thành phần PGI năm 2023 của Tiền Giang đều tăng điểm, góp phần giúp cho tổng điểm năm 2023 đạt 22,91 đưa thứ hạng của Tiền Giang tăng khá cao trong bảng xếp hạng PGI năm 2023. Trong đó, đáng chú ý là Chỉ số Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thiên tai và Chỉ số Chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường năm 2023 có mức tăng điểm khá cao.

PGI là bộ chỉ số được khởi xướng từ năm 2022 với ý nghĩa góp phần chung tay từ phía cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền địa phương vào thực hiện chủ trương chính sách quan trọng của Đảng và Chính phủ về giải quyết những thách thức lớn toàn cầu trong đó có các vấn đề về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Đây là xu hướng chung, nhất là khái niệm về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đã và đang được chú trọng.

Nằm trong xu thế chung, trên địa bản tỉnh Tiền Giang, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đã và đang được tỉnh đặc biệt quan tâm và triển khai thực hiện. Phát biểu tại Hội thảo khoa học "Vai trò của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn với mục tiêu phát triển bền vững" gần đây, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi nhấn mạnh, thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã triển khai xây dựng một số mô hình nông nghiệp xanh, sinh thái bền vững, đã tạo hiệu ứng lan tỏa, thu hút nhiều tổ chức, doanh nghiệp, người dân tham gia áp dụng và nhân rộng như: Mô hình chăn nuôi áp dụng VietGAP, xử lý chất thải trong chăn nuôi heo bằng hầm biogas làm chất đốt, chạy máy phát điện, mô hình nuôi trùn quế tận dụng phụ, phế phẩm trong nông nghiệp (phân heo, phân bò, rơm, lục bình…) thành sản phẩm có ích theo nguyên lý của kinh tế tuần hoàn.

Hướng dẫn ủ phân chuồng trong chăn nuôi nhằm gảim ô nhiễm môi trường.
Hướng dẫn cách ủ phân chuồng trong chăn nuôi nhằm giảm ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, ngành Công thương Tiền Giang cũng đẩy mạnh việc triển khai thực hiện chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, áp dụng quy trình sản xuất sạch hơn, tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; một số lĩnh vực công nghiệp chế biến đã khai thác tối đa phụ, phế phẩm (đầu tôm, vỏ tôm; da, mỡ cá tra; bã sả, bưởi sau chưng cất tinh dầu) để tạo ra giá trị gia tăng, giúp bảo vệ môi trường…

Có lẽ, đây cũng là một trong những bước đi cơ bản mà Tiền Giang đã và đang thực hiện, cùng với nhiều giải pháp đang được Tiền Giang triển khai thực hiện đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao PGI năm 2023 của Tiền Giang.

Nhìn trên bình diện tổng thể hơn, hiện nay, môi trường đầu tư kinh doanh tốt không chỉ là sự thuận lợi, nhanh chóng, dễ dàng về thủ tục mà còn phải thân thiện với môi trường, theo định hướng bền vững. Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có tuyên bố mạnh mẽ về mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam. Điều này thể hiện cam kết chính trị và quyết tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc đẩy mạnh chuyển đổi nền kinh tế, góp phần giải quyết những thách thức lớn toàn cầu về biến đổi khí hậu và vấn đề môi trường hiện nay. Việt Nam đã có nhiều chính sách và quy định pháp luật thúc đẩy nền kinh tế theo hướng bền vững hơn, xanh hơn, giảm phát thải hơn.

Một chủ trương và chính sách quan trọng của Đảng và Chính phủ như vậy rất cần có sự chủ động, chung tay từ phía cộng đồng doanh nghiệp. Chính vì thế từ năm 2022, VCCI đã có sáng kiến thúc đẩy việc xây dựng PGI. Đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh. Rất may mắn, ngay sau đó chương trình này nhận được sự ủng hộ của nhiều đối tác tư nhân, USAID và nhiều cơ quan có liên quan…

TA

.
.
.