.

Làm bóng đá tử tế

Cập nhật: 08:33, 01/06/2024 (GMT+7)

Khi giải V-League mùa bóng 2023-2024 đang đi về những vòng đầu cuối cùng, vấn đề kỷ luật trên sân cỏ lại liên tục có những biểu hiện căng thẳng, chực chờ vượt tầm kiểm soát, gây ra những hình ảnh không đẹp.

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) vừa phải ra án phạt HLV Vũ Tiến Thành của CLB HAGL do có phát ngôn với lời lẽ công kích, bôi nhọ gần như tất cả các thành viên của giải đấu, từ trọng tài, ban tổ chức đến lãnh đạo Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Mới nhất, VFF cũng đang cân nhắc đưa ra quyết định kỷ luật với trường hợp đến từ ban huấn luyện và cầu thủ của đội CAHN, có thái độ đe dọa trọng tài, thậm chí dùng điện thoại ghi hình trọng tài chính để đưa lên mạng xã hội.

Từ khi công nghệ VAR được sử dụng trong các trận đấu tại V-League, những tranh cãi trong quá trình thi đấu được giảm rất nhiều. Số lượng có giảm, nhưng tính chất của các vụ việc phản ứng lại tăng lên. Thậm chí, trong mùa bóng này có đến 3 CLB gởi văn bản đề nghị “không được phân công” những trọng tài cụ thể điều hành các trận đấu của họ. Khi không được đáp ứng, họ bắt đầu phản ứng trên sân hoặc chỉ trích công khai trên truyền thông.

Những đóng góp từ người làm bóng đá chắc chắn là cần thiết đối với bóng đá Việt Nam hiện tại. Các đơn vị đang điều hành nền bóng đá như VPF hay VFF cũng cho thấy họ sẵn sàng tiếp thu, bao gồm những đóng góp trái chiều từ truyền thông hay mạng xã hội. Có thể ghi nhận điều đó thông qua việc ngưng hợp đồng kịp thời với HLV Troussier và tìm ngay HLV mới sau khi VFF lắng nghe, xử lý chủ động từ các phản biện xã hội. Hay như Công ty VPF cố gắng tăng số lượng trận đấu có VAR, dù điều này gây áp lực lớn cho đội ngũ kỹ thuật.

Trên tinh thần đó, việc sử dụng mạng xã hội hay truyền thông để công kích nặng nề tổ chức, cá nhân những nhà điều hành bóng đá là không công bằng. Bóng đá là lĩnh vực có tính cộng đồng cao, được trao quyền quản lý nhiều cho xã hội, khi các đơn vị đang quản lý và điều hành đều được bầu và giao trách nhiệm bởi chính các thành viên, chủ yếu là các CLB. Qua đó, các kênh phản biện hay quy trình tiếp thu phản biện ở những tổ chức này cũng minh bạch thông qua đại hội toàn thể (đối với VFF) hay đại hội cổ đông, hội nghị trước và sau những mùa giải (đối với Công ty VPF). Riêng với hoạt động thi đấu, mỗi CLB tham gia đều xác nhận với điều lệ hoặc các quy định được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi dựa trên nguyên tắc dân chủ, đồng thuận cao.

Vì vậy, việc công kích hay bôi nhọ không làm tình hình chung tốt hơn, ngược lại có khi chính người trong cuộc đang tự làm xấu hình ảnh chính mình. Vấn đề trọng tài luôn gây tranh cãi, ngay cả khi áp dụng VAR cũng chỉ là giảm bớt chứ không có bất kỳ nơi nào khẳng định sẽ không còn các sai sót. Công tác tổ chức cũng vậy, ít nhiều còn một vài lấn cấn trong bối cảnh bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn ở tình trạng “vừa chạy, vừa xếp hàng” và V-League chỉ đứng hạng 4 ở Đông Nam Á theo những đánh giá từ các tổ chức uy tín thế giới.

Bóng đá Việt Nam đang chững lại sau giai đoạn thăng hoa. Đây là lúc mà những người làm bóng đá ở cấp cơ sở như CLB hay liên đoàn địa phương thể hiện nhiều hơn trách nhiệm của mình thông qua các đóng góp có tính xây dựng, giải pháp cụ thể và hành động thiết thực ngay từ chính CLB. Điều đó tốt hơn nhiều so với những chỉ trích mang tính bôi nhọ, hạ thấp giá trị của giải đấu, tổ chức mà mình đang là thành viên. Bên cạnh đó, cũng nên có sự nghiêm minh từ những đơn vị được trao quyền điều hành như VFF, VPF. Lỗi của trọng tài nếu có thì không nên xử lý xuê xoa, các hành vi phản thể thao của HLV hay cầu thủ cũng phải nhận các án phạt nghiêm khắc. Có như vậy, chúng ta mới làm được bóng đá tử tế - nền tảng quan trọng để xây dựng bóng đá chuyên nghiệp thực thụ.

Theo sggp.org.vn


 

.
.
.