Đồng bộ theo chương trình mới
Với tuyển sinh THCS, THPT, Bộ GD&ĐT chỉ quy định chung 3 phương thức: Xét tuyển, thi tuyển, kết hợp thi tuyển với xét tuyển.
Ảnh minh họa ITN. |
Phương án cụ thể hoàn toàn do địa phương quyết định, trong đó có việc nhân hay không nhân hệ số các môn thi trong tính điểm xét tuyển.
Ghi nhận trên thực tế, có địa phương không dùng nhân hệ số để các môn thi bình đẳng, nhưng cũng không ít nơi duy trì việc nhân hệ số 2 với môn Ngữ văn và Toán nhiều năm nay. Dù quy định thế nào thì mỗi nơi cũng có lý lẽ của riêng mình.
Ý kiến ủng hộ đặt trọng số vào môn Toán, Ngữ văn cho rằng đây là 2 môn cơ bản, nền tảng nên luôn có mặt trong các kỳ thi quan trọng; thời lượng học tập nhiều hơn, thời gian làm bài dài hơn. Đầu tư học tốt 2 môn này, học sinh sẽ có nhiều lợi thế trong suốt quá trình học tập, thi cử, xét tuyển đại học...
Ý kiến không đồng tình tập trung vào quan điểm mục tiêu giáo dục toàn diện của chương trình, cả chương trình 2006 và 2018. Mỗi học sinh có thế mạnh riêng, việc nhân hệ số môn Toán, Ngữ văn sẽ thiệt thòi, áp lực cho những em học tốt các môn còn lại; khuyến khích việc học lệch, phân biệt môn chính, môn phụ. Một số cho rằng, khi nhân hệ số tạo cảm giác điểm cao hơn, không hiểu rõ về kết quả thực chất… Riêng nhân hệ số môn chuyên trong tuyển sinh vào lớp 10 THPT chuyên được đa số ý kiến đồng tình.
Việc có nhân hệ số hay không tiếp tục được đặt ra trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 từ năm tới - kỳ thi đầu tiên theo Chương trình GDPT 2018. Đây cũng là năm đầu tiên việc học từ THCS lên THPT đồng bộ theo chương trình mới.
Chương trình GDPT 2018 vẫn tiếp tục quan điểm giáo dục con người toàn diện, giúp học sinh phát triển về đức, trí, thể, mỹ. Tuy nhiên, trong quy định về kiểm tra, đánh giá, quan điểm này được thể hiện triệt để hơn. Cụ thể, theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20-7-2021 về đánh giá học sinh THCS và THPT, một trong những điều kiện để trở thành “học sinh xuất sắc” là có ít nhất 6 môn học đạt điểm trung bình từ 9,0 trở lên; học sinh giỏi cần ít nhất 6 môn học đạt điểm trung bình 8,0 trở lên.
Như vậy đương nhiên có trường hợp học sinh giỏi/xuất sắc, nhưng vẫn có môn Toán, Ngữ văn dưới điểm 8/9. Trả lời báo chí, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Xuân Thành cho rằng, quy định này thể hiện quan điểm coi các môn học công bằng như nhau, không có môn nào là môn chính hay phụ, không phải cứ giỏi Toán, Ngữ văn mới là học sinh giỏi.
Điều này khiến nhiều ý kiến nghiêng về việc kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 theo Chương trình GDPT 2018 không nên đặt trọng số vào môn học nào (trừ thi chuyên). Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên thi 2 môn Toán, Ngữ văn (không môn nào nhân hệ số), giống như phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025 chỉ yêu cầu 2 môn này bắt buộc, gọn nhẹ, giảm áp lực mà vẫn đánh giá được người học. Có người nêu quan điểm kỳ thi phải đánh giá được kiến thức nền tảng và phẩm chất, kỹ năng học sinh thể hiện ở các môn học...
Hiện nay, hầu hết địa phương chưa có phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT từ năm 2025. Kỳ thi phân cấp cho địa phương nên có lẽ vẫn là “trăm hoa đua nở”. Việc nhân hệ số có thể vẫn không ít địa phương duy trì (trường hợp thi từ 3 môn). Nhưng chắc chắn điều phải thay đổi là đề thi cần bảo đảm tốt hơn yêu cầu đánh giá được năng lực, phẩm chất người học. Điều này sẽ thuận lợi hơn nếu có định hướng, hướng dẫn chung của Bộ GD&ĐT.
(Theo giaoducthoidai.vn)