Nghiêm khắc làm sạch môi trường nghệ thuật
Việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị cơ quan chức năng phạt hành chính 27,5 triệu đồng và cấm biểu diễn trong thời gian 9 tháng do những sai phạm trong trang phục biểu diễn nhận được nhiều ý kiến tán đồng.
Nếu như trước đây, án phạt tiền thường bị xem là thiếu tính răn đe thì án phạt cấm diễn có thời hạn có thể coi là một trong những biện pháp cứng rắn, thể hiện quyết tâm làm trong sạch môi trường nghệ thuật.
Trong thời đại mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, việc nghệ sĩ và người nổi tiếng có những phát ngôn và hành động lệch chuẩn, ăn mặc không phù hợp với thuần phong mỹ tục hay cố tình tạo scandal để câu view ngày càng trở nên phổ biến. Những hành vi này không chỉ làm ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân mà còn gây ra những tác động tiêu cực đến xã hội, đặc biệt là với giới trẻ.
Khi các thần tượng của họ, những người mà họ ngưỡng mộ và theo dõi hàng ngày, có những hành vi thiếu chuẩn mực, điều này dễ dàng bị bắt chước và lan rộng. Việc xử lý nghiêm khắc những trường hợp vi phạm như Đàm Vĩnh Hưng là điều cần thiết để răn đe và ngăn chặn sự tùy tiện, thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm công dân của người hoạt động trong lĩnh vực này.
Thực tế, với Đàm Vĩnh Hưng đây không phải vi phạm lần đầu. Trước đó, nam ca sĩ này đã nhiều lần bị xử phạt do có những hành vi thiếu văn hóa khi biểu diễn và đưa thông tin sai sự thật… nhưng đây là lần đầu tiên anh nhận án phạt bổ sung tăng nặng là cấm diễn.
Cấm diễn với nghệ sĩ không chỉ là biện pháp răn đe, uốn nắn mà còn là cách để bảo vệ và nâng cao giá trị văn hóa, đạo đức trong xã hội. Sắp tới, khi Quy chế xử lý các nghệ sĩ, người của công chúng, người hoạt động nghệ thuật có hành vi vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục… do Bộ TT-TT phối hợp với Bộ VH-TT-DL xây dựng được ban hành thì việc xử phạt, tùy theo hành vi vi phạm sẽ có thể áp dụng hình thức “cấm sóng”, tức là không thể xuất hiện trên các phương tiện truyền thông cũng như mạng xã hội. Là nghệ sĩ, người nổi tiếng, việc trở nên “vô hình” với công chúng là một hình phạt cực kỳ nghiêm khắc.
Nghệ sĩ cần công chúng, vì công chúng và cũng chính công chúng là người đưa họ lên những đỉnh cao mới của nghệ thuật. Song, nếu nghệ sĩ không biết trân trọng sự trong sáng, lành mạnh của nghệ thuật, làm những điều sai quấy, phục vụ cái tôi ảo tưởng, ích kỷ, lầm lạc thì sớm, muộn cũng sẽ bị quay lưng.
Khi công chúng tẩy chay, ngừng theo dõi, không ủng hộ sản phẩm của những nghệ sĩ có hành vi, phát ngôn không phù hợp sẽ là tín hiệu rõ ràng nhất để họ nhận thức được rằng, sự nổi tiếng đi kèm với trách nhiệm. Bởi nghệ thuật thực sự phải góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.
Theo sggp.org.vn