.

Tương lai không "đóng cửa" chỉ bởi một kỳ thi

Cập nhật: 10:14, 15/07/2024 (GMT+7)

Sau những ngày “chạy hết công suất” để “vượt vũ môn”, có những cảm xúc vỡ òa như trút bỏ được gánh nặng, cũng có những nỗi buồn day dứt như đã trót bỏ lỡ điều gì. Có quá nhiều câu chuyện vui buồn qua một kỳ thi và năm nào cũng sẽ lặp lại những câu chuyện như thế.

Khi biết điểm thi vào lớp 10, cô bạn gọi điện cho tôi nhờ xin giúp con vào một trường mà chị tôi đang làm hiệu trưởng. Con cô ấy thiếu nửa điểm để đỗ nguyện vọng 1, thật đáng tiếc. Nhưng cháu còn có thể học ở trường đỗ nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 cơ mà?

Khi tôi đưa ra câu hỏi này, cô ấy chia sẻ rằng, trong quá trình học tập với mục tiêu đỗ vào trường mong muốn, con cô ấy đã rất vất vả và cũng kỳ vọng rất lớn vào kết quả thi. Nhưng chỉ vì thiếu nửa điểm mà không vào được ngôi trường mơ ước, cô ấy vì thương con mà mất ăn mất ngủ, nhờ vả khắp nơi để có thể xin cho con vào một ngôi trường tương đương.

“Mình thì không quan trọng con phải học trường tốp đầu, nhưng nhìn thấy con suy sụp, mình thương quá”, cô bạn nói. Không giúp được gì cho bạn bởi thi cử đã có các quy định rõ ràng, nhưng trong lòng tôi cứ day dứt mãi.

 Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội. Ảnh: Trường THPT Việt Đức, Hà Nội
Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội. Ảnh: Trường THPT Việt Đức, Hà Nội

Tôi cũng từng có con thi vào lớp 10 và cũng từng trải qua những ngày tháng mất ăn mất ngủ như nhiều phụ huynh khác; cũng từng tính đến rất nhiều phương án nếu như con trượt thì phải làm gì; tìm sẵn cho con "phương án 2, phương án 3" hay động viên con thế nào. Tôi cảm nhận được nỗi buồn của những phụ huynh và những đứa trẻ không đạt ý nguyện. Giống như một cú ngã mạnh khi chúng bắt đầu cuộc đua vào đời.

Đôi lúc tôi cũng tự hỏi, không phải là kỳ thi đại học, không phải là kỳ thi để trở thành thạc sĩ, tiến sĩ, tại sao kỳ thi vào THPT khiến nhiều người lao đao đến vậy? Và vì đâu, từ nhiều năm nay, những thí sinh làm bài không tốt sẽ rơi vào tình trạng thất vọng về bản thân, xấu hổ, đi kèm với đó là sự ân hận, tiếc nuối, trách móc mình?

Có quá nhiều lý do để trả lời cho điều đó. Đáng buồn hơn, nhiều học sinh ở lứa tuổi chưa tròn 15 đã phải nếm trải cảm giác “tương lai vụt tắt” ngay trước mắt chỉ vì trượt kỳ thi vào lớp 10. Như bạn học sinh sinh năm 2009, trú ở Đội Cấn, Ba Đình, vừa trải qua kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025 đã tìm con đường quyên sinh chỉ một ngày sau khi công bố điểm chuẩn kỳ thi. Rất may, khi em đang chới với giữa dòng nước thì được kịp thời cứu sống, giữ lại tương lai.

Bao giờ cũng vậy, mùa tuyển sinh là mùa lo lắng và hồi hộp, chờ đợi và hy vọng, mùa của nước mắt và nụ cười. Bên cạnh sự trầm lắng đến nao lòng của những gia đình chưa đạt ước nguyện, thì đâu đó là niềm hân hoan của những thí sinh đã vượt qua một cột mốc đáng nhớ, chinh phục được một mục tiêu khó khăn.

Rất nhiều tâm sự mùa tuyển sinh mà cứ mỗi mùa hè lại rộ lên. Chắc hẳn rằng thí sinh nào thi đỗ cũng rất vui, nhưng không phải thí sinh nào thi trượt cũng thất vọng. Một kỳ thi không đủ để nói lên sự thắng bại của cả một đời người. Vấp ngã cũng là bài học mà mỗi người đều phải trải qua trong hành trình trưởng thành.

Rất may, đa số những “đóa hoa” tuổi trăng rằm ấy đều có thể vượt qua và vững vàng hơn khi bước vào tương lai. Quan trọng hơn nữa, chúng ta nghe câu chuyện về kỳ thi thì nhiều, nhưng chẳng mấy ai nghe thấy câu chuyện “tương lai đóng cửa” chỉ vì thi trượt một kỳ thi.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.