.

Từ "cơn sốt" Temu: Cần bảo vệ doanh nghiệp trong nước

Cập nhật: 20:31, 27/10/2024 (GMT+7)

Trước “cơn sốt” Temu, nhiều ý kiến cho rằng cần kiểm soát chặt chất lượng hàng hoá nhằm bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời bảo vệ các ngành sản xuất trong nước…

Theo đó, kể từ khi xuất hiện, cái tên Temu đã làm mưa làm gió trong cộng đồng người tiêu dùng thế giới khi mang đến hàng triệu sản phẩm đa dạng từ thời trang, mỹ phẩm đến đồ gia dụng… với mức giá rẻ bất ngờ.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm nổi bật, ứng dụng này cũng đang đối mặt với không ít nghi ngại từ phía người tiêu dùng. Chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng và các vấn đề liên quan đến thanh toán là những vấn đề được quan tâm hàng đầu.

a
Kể từ khi xuất hiện, cái tên Temu đã làm mưa làm gió trong cộng đồng người tiêu dùng thế giới với mức giá rẻ bất ngờ. Ảnh: Nguyễn Giang

Qua câu chuyện này, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Văn Cường (Hà Nội) bày tỏ lo ngại trước vấn đề hàng giá rẻ đang tràn vào Việt Nam qua kênh bán hàng thương mại điện tử. Điển hình việc sàn thương mại điện tử Temu quảng cáo rầm rộ, hàng hóa giảm giá sâu, có mặt hàng giảm đến 70%, rẻ hơn so với mặt bằng...

Đại biểu cho rằng, đây là vấn đề rất cần quan tâm trong lĩnh vực tiêu dùng hiện nay, mà nếu không có giải pháp kiểm soát, người tiêu dùng sẽ mua hàng qua các kênh thương mại điện tử giá rẻ, chưa được kiểm soát chất lượng, ảnh hưởng đến thị trường trong nước. "Việc này dẫn đến nguy cơ hàng hóa giá rẻ triệt tiêu hàng sản xuất trong nước. Khi đó, các cửa hàng kinh doanh trong nước sẽ gặp khó khăn, phải đóng cửa khi người dân mua hàng giá rẻ qua mạng", ông cảnh báo.

Đại biểu Hoàng Văn Cường kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần hành động ngay. “Chúng ta không thể cấm hoạt động thương mại điện tử vì đây là xu thế, và Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, nhưng phải có giải pháp kiểm soát chất lượng hàng hóa bán qua sàn thương mại điện tử. Một mặt để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, một mặt để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước trước "cơn lốc" hàng giá rẻ”, ông Cường nói.

Bên cạnh đó, ĐBQH TP Hà Nội cũng đề nghị xem xét lại chính sách miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có giá trị nhỏ, dưới 1 triệu đồng; nâng cao năng lực cạnh tranh của sàn thương mại điện tử trong nước. Ông cũng bày tỏ lo ngại khi hiện nay thị phần thương mại điện tử trong nước chủ yếu thuộc về các sàn thương mại điện tử nước ngoài (trên 90%), còn các sàn trong nước rất thấp. Vì vậy, cần có chính sách để xây dựng các sàn thương mại điện tử trong nước đủ sức cạnh tranh.

Cùng mối băn khoăn, ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cũng cho rằng, Chính phủ cần có giải pháp hiệu quả hơn nữa trong hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, quản lý và kiểm soát tốt kinh doanh thương mại điện tử.

Dẫn số liệu 9 tháng đầu năm doanh thu thương mại điện tử tại Việt Nam ước đạt khoảng 28 tỷ USD (tăng 36%), thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới, đại biểu nhận định, kinh doanh qua mạng xã hội, qua các sàn giao dịch thương mại điện tử tăng rất nhanh.

"Vấn đề đặt ra là hàng hóa kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử là hàng hóa gì, nguồn gốc xuất xứ ở đâu, tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm bao nhiêu trong số tiền 28 tỷ USD đó?", đại biểu khẳng định, việc hàng hoá có giá quá rẻ với chi phí logistics cực kỳ tốt và được kinh doanh dễ dàng trên sàn thương mại điện tử về mặt tích cực đối với người tiêu dùng là rất dễ mua sắm, muốn mua món đồ gì cũng có, chỉ cần thực hiện vài thao tác trên điện thoại thông minh, lướt TikTok hay lên sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada là có thể mua các món đồ theo ý thích với giá siêu rẻ; được giao hàng nhanh chóng, với phương thức thanh toán dễ dàng.

Nhưng ngược lại, mặt tiêu cực là thực tế này đang "giết chết dần", "chết mòn" các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trong nước, vì hàng hóa Việt Nam không thể cạnh tranh về giá cả, mẫu mã. Từ thực tế này, ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề xuất Chính phủ có giải pháp chỉ đạo kiên quyết, dứt khoát, hiệu quả để vừa khuyến khích, tạo động lực thúc đẩy phát triển, vừa bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp trong nước, nhưng cũng không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
tu-con-sot-temu-can-bao-ve-doanh-nghiep-trong-nuoc-2.jpg

a
Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại trước vấn đề hàng giá rẻ đang tràn vào Việt Nam qua kênh bán hàng thương mại điện tử. Ảnh: Nguyễn Giang

Cũng nhìn vào số liệu doanh thu 9 tháng đầu năm, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn TPHCM cho biết, thông tin giao dịch trên 5 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam đạt gần 9 tỷ USD, mức 225.000 tỷ đồng.

Theo ông Ngân, con số này rất lớn và vấn đề đặt ra là làm sao phải bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ doanh nghiệp Việt, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Chúng ta phải có quy định hệ thống thể chế vừa phát triển theo xu hướng thương mại điện tử, vừa bảo đảm công bằng trong kinh doanh, để mọi người kinh doanh đều phải nộp thuế”, ông Ngân nói.

Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, lần này sửa đổi Luật sử đổi quản lý thuế, phối hợp bộ ngành để quản lý thu thuế đối với giao dịch điện tử, đảm bảo chất lượng hàng hoá. trong giao dịch điện tử

“Trong luật lần này sửa đổi, chúng ta nghiên cứu cụ thể kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số và các nền tảng khác được thực hiện ở nước ngoài. Nhà cung cấp nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc uỷ quyền nộp thuế hàng năm theo quy định của Bộ Tài chính. Những quy định này cần thiết để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, bảo vệ người tiêu dùng, thị trường hàng hoá và chất lượng và môi trường kinh doanh”, PGS-TS Trần Hoàng Ngân nói.

Theo diendandoanhnghiep.vn

.
.
.