Thứ Ba, 14/05/2013, 09:37 (GMT+7)
.

Những “hạt sạn” khó chấp nhận ở một đề kiểm tra & đáp án

Theo “Lịch kiểm tra các môn Sở ra đề” được ghi trong Công văn 461/SGDĐT-KTQLCLGD của Sở Giáo dục và Đạo tạo Tiền Giang thì ngày 7-5-2013 học sinh đang học lớp 8 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đồng loạt làm bài môn Ngữ văn với thời lượng là 120 phút (từ 13 giờ - 15 giờ). Đề kiểm tra có 1 trang, gồm 5 câu. Nói chung, nội dung đề đã bám sát nội dung chương trình sách giáo khoa, vừa sức, đề làm văn (câu 5) có hướng “ mở”. Tuy nhiên, đề và đáp án này vẫn còn có những “hạt sạn” khó chấp nhận.

THỨ NHẤT: SAI LỖI CHÍNH TẢ

Ngay từ khi tiếp nhận đề để phát cho học sinh, nhiều giám thị đã phát hiện ở câu 1, mở đầu bằng đoạn trích tác phẩm “Bức tranh của em gái tôi” của Tạ Duy Anh: Chú trải sáu bức tranh do Mèo vẽ ra trước mắt bố tôi (1). Đến lược bố tôi ngây người như không tin vào mắt mình (2)…

2 trang đề và đáp án môn  Ngữ văn lớp 8.
2 trang đề và đáp án môn Ngữ văn lớp 8.

Trong đoạn văn trên, dù chỉ sai một phụ âm cuối của một từ thôi nhưng đây là một lỗi không thể chấp nhận vì một lý do thật đơn giản: Đây là đề thi môn Ngữ văn. Từ “lượt” (viết đúng) thì đề lại viết (in) sai thành “lược”.

Quả là sai sót về lỗi chính tả, lỗi kỹ thuật quá sơ đẳng. Điều đáng nói là trong phần đáp án, Sở lại có lưu ý cho giám khảo là “ Chỉ cho điểm tối đa khi diễn đạt tốt, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp, chữ viết rõ ràng”, chứng tỏ vấn đề chính tả rất được Sở chú trọng, vậy thì vì sao đề lại mắc lỗi chính tả?

Đó là một câu hỏi mà công luận, trước hết là trong giáo viên và học sinh cần được Sở trả lời. Cũng cần nhắc lại, ở học kỳ I, đề kiểm tra môn Giáo dục công dân đã có chuyện sai chính tả, song dư luận có thể châm chước vì không phải là môn Ngữ văn.

THỨ HAI : LÀM VĂN - ĐÁP ÁN “NÉ” ĐỀ

Câu 5 là câu làm văn, chiếm phân nửa số điểm (5/10). Đề yêu cầu: Nêu suy nghĩ của em về câu tục ngữ : “Có chí thì nên”. Rất rõ ràng, yêu cầu là : “Nêu suy nghĩ của em”. Với đề này cũng có thể viết ở dạng khác như: Hãy phát biểu cảm nghĩ của em về…, cảm nhận của em về…, ý kiến của em về… Đây là một đề có hướng “mở”.

Để có thể phát huy trí lực và cảm xúc của học sinh thì lẽ ra trong đáp án cần chú trọng xem cá nhân (em) suy nghĩ như thế nào về câu tục ngữ quá quen thuộc này nhưng rất tiếc, đáp án chỉ yêu cầu và cho điểm tối đa khi các em làm được 2 việc là giải thích và chứng minh theo khuôn mẫu chứ không cần phải nêu suy nghĩ gì cả.

Có lẽ, người ra đề và đáp án cho rằng  “suy nghĩ ” chỉ là giải thích và chứng minh? Thực ra “suy nghĩ ” bao giờ cũng bao hàm từ sự nhận thức đơn giản: Nó là cái gì? Nó như thế nào? Cho đến bản chất đối tượng: Nó đúng, sai… liền sau đó là sự khen, chê và biểu thị thái độ ủng hộ hay bác bỏ và khẳng định gắn với hành động…

Cho nên, thực chất “nêu suy nghĩ ” chính là bình luận. Đành rằng trong văn nghị luận nói chung và nghị luận xã hội nói riêng thì hai dạng giải thích và chứng minh là cơ bản, nhưng một khi đề yêu cầu dạng nào thì dạng đó phải giữ vai trò chủ đạo. Giải thích và chứng minh là nhằm làm rõ cái “suy nghĩ” chứ không phải chỉ dừng lại ở giải thích và chứng minh. Với đáp án này thì lẽ ra đề phải là: Em hiểu thế nào về câu tục ngữ: “Có chí thì nên”?

Với đề và đáp án như vừa qua thì khi học sinh làm đúng theo yêu cầu của đề, tức là bày tỏ suy nghĩ cá nhân thì coi như công cóc bởi đáp án không yêu cầu. Với đáp án này cũng không biết các giám khảo sẽ chấm bài như thế nào nếu họ phân tích đề đúng và lấy đó làm cơ sở?

Nhân “sự cố” xin trao đổi thêm, có nhiều câu ca dao, tục ngữ có tính phản đề, “Có chí thì nên” là một trường hợp. Đáp án khẳng định “Có chí thì nên” là một chân lý e rằng chưa thỏa đáng và có phần áp đặt, đánh lừa về mặt nhận thức đối với học sinh.

Không nói đâu xa, thực tế lịch sử cận đại của nước ta cho thấy có rất nhiều chí sĩ yêu nước có ý chí ngút trời nhưng phải cam chịu thất bại, ví như Trương Định, Thủ Khoa Huân, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học… “Chí ” chỉ có thể làm cho con người ta “nên” khi mà “chí ” đó phù hợp với quy luật phát triển tất yếu khách quan của lịch sử - xã hội chứ không phải trong mọi trường hợp.

Trở lại với đáp án, giải thích từ “chí” là “lòng quyết tâm, sự kiên trì nhẫn nại cũng là tự phấn đấu vươn lên, không ỷ lại vào người khác”. Giải thích như thế này không phải là sai nhưng có hơi khiên cưỡng và áp đặt. Thật ra câu tục ngữ “Có chí thì nên” xuất phát điển tích “hữu chí cánh thành”.

Nghĩa gốc của “chí” chỉ là  “nơi để tâm vào”, nói cách khác là “hết lòng hết sức” cho công việc gì đó và từ sự “để tâm” hay “hết lòng hết sức” mà ta mới có quyết tâm, kiên trì nhẫn nại, tự lực, phấn đấu vượt khó… để thực hiện cho bằng được. Cho nên “chí” là tiền đề, là điều kiện cần và đủ để thực hiện những đức tính kia chứ không phải “chí” bao hàm tất cả mọi đức tính tốt đẹp khác.

Trên tinh thần xây dựng, người viết bài này xin nêu một số ý kiến xung quanh đề và đáp án môn Ngữ văn lớp 8 của học kỳ II (năm học 2012-2013) theo lịch kiểm tra của Sở GD&ĐT Tiền Giang. Rất mong được sự chia sẻ, thảo luận, đóng góp ý kiến của các nhà giáo, nhất là phản hồi của Sở để tỉnh chúng ta có một ngân hàng đề thi ngày càng hoàn thiện và phong phú hơn, tránh được những “hạt sạn” khó chấp nhận.

LÊ MINH HOÀNG

.
.
.