Bài cuối: Giải pháp phòng, chống
Bài 1: Những nguyên nhân và hậu quả
Thứ nhất, theo ý kiến của nhiều nhà tâm lý học, với quan điểm triết học “Tự thân vận động” thì hoạt động, nhận thức cá nhân đóng vai trò quyết định trực tiếp tới sự hình thành và phát triển nhân cách của con người.
Nguyễn Trãi đã từng nói: “Nên thợ nên thầy vì có học”, nhưng để có được thợ giỏi, thầy hay thì phải do chính bản thân của mỗi học sinh. Vì thế cần nâng cao nhận thức và ý thức về bạo lực học đường (BLHĐ), những hậu quả của hành động bạo lực cho bản thân học sinh. Học sinh “nói không với hành vi bạo lực và tệ nạn xã hội”, nhận thức đúng đắn hơn về giá trị bản thân, phát huy tinh thần sống tốt, sống đẹp, sống có trách nhiệm, có ích cho bản thân, gia đình và xã hội, tránh những điều đáng tiếc xảy ra.
Nhà trường cần tăng cường dạy đạo đức và kỹ năng sống cho học sinh. Để thực hiện biện pháp này, trước hết cần có sự thay đổi về nội dung chương trình dạy đạo đức, kỹ năng trong nhà trường. Nên giảm thiểu bớt một số chương trình học khác, thay vào đó là những tiết dạy về đạo đức, kỹ năng sống gắn liền với thực tế cho học sinh. Giáo viên có thể lồng ghép vào trong các tiết dạy của các môn học những nội dung về đạo đức, kỹ năng. Mỗi ngày một ít, học sinh sẽ tích lũy được nhiều hơn.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến BLHĐ, chúng ta cần phải tìm hiểu ở nhiều góc độ khác nhau để đưa ra những giải pháp có tính toàn diện nhất. Nhằm ngăn chặn nạn BLHĐ ở các trường học, cần xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ 3 môi trường giáo dục: Gia đình - nhà trường - xã hội. Nhà trường chúng tôi mong nhận được sự hợp tác trong việc “dạy chữ, rèn người” của xã hội và các bậc phụ huynh. |
Để ngăn chặn BLHĐ cần trang bị cho các em học sinh những kỹ năng xã hội, giúp các em có ý thức trong việc “xây dựng tình bạn đẹp” để không đơn độc lẻ loi và biết cách đối phó với những người bắt nạt mình.
Dạy cho học sinh cách thể hiện mình đúng cách, khắc phục tâm lý hiếu thắng, phát huy vai trò của học sinh trong việc ngăn chặn, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội và hành vi bạo lực xảy ra đối với bản thân, bạn bè để các cấp thẩm quyền có biện pháp xử lý kịp thời cũng là một trong những vấn đề cần được quan tâm và cũng là một trong những biện pháp giúp làm giảm hành vi BLHĐ ở học sinh.
Nhà trường cần có những chương trình hoạt động xã hội lôi cuốn để các em giải tỏa năng lượng hoặc chứng tỏ giá trị của mình, tạo cho các em có sân chơi lành mạnh để rèn luyện nhân cách. Đồng thời, cũng cần có những hoạt động để học sinh nâng cao kỹ năng sống, những kiến thức đạo đức về tinh thần trách nhiệm, tình yêu thương, sự chia sẻ…, tránh phân biệt đối xử, tránh sự thờ ơ, vô cảm trước những hành động BLHĐ.
Ví dụ, tổ chức những cuộc tham quan dã ngoại để tăng cường mối quan hệ bạn bè thân thiết, tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau; những hoạt động tình thương, như thăm các em nhỏ thiệt thòi, những hoàn cảnh cảnh đặc biệt khó khăn để học sinh biết cách thông cảm và chia sẻ, hay tổ chức các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”…
Cần có đội ngũ chuyên viên tư vấn và văn phòng tư vấn tâm lý cho học sinh, để học sinh có cơ hội chia sẻ những khó khăn của mình và nhận được những lời khuyên bổ ích; giúp các em có được đời sống tâm lý ổn định hơn, có được những cách thức giải quyết vấn đề đúng đắn hơn. Để học sinh có thể liên hệ bất cứ lúc nào, chúng ta có thể tổ chức liên lạc trực tiếp hoặc có thể qua điện thoại, đường dây nóng, email...
Thứ hai, tăng cường vai trò của gia đình, nâng cao văn hóa gia đình trong việc giáo dục con cái; quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong gia đình là mối quan hệ tin tưởng - bình đẳng. Cha mẹ phải là những “người bạn lớn” của con cái, quan tâm và kịp thời uốn nắn những lệch lạc trong nhận thức, thái độ và tình cảm của các em; chia sẻ với con cái những khó khăn, vướng mắc, cho các em những lời khuyên, những cách giải quyết đúng đắn.
Cha mẹ phải là “tấm gương trong” cho con trong cách đối xử với nhau hằng ngày, mọi người trong gia đình phải yêu thương, gắn kết nhau; từ đó tạo cho học sinh có được đời sống tâm lý ổn định, học được những cách đối xử ân tình, có được những hành vi ứng xử phù hợp với đạo lý.
Đứng trước những hành vi bạo lực của con, cha mẹ nên có thái độ bình tĩnh, ân cần chỉ bảo để các em dần dần nhận ra sự không đúng đắn và từ bỏ nó.
Về phía nhà trường, cần chủ động trao đổi thông tin với gia đình học sinh cũng như chính quyền cơ sở để nắm tình hình, kịp thời có biện pháp quản lý và giáo dục học sinh.
Thứ ba, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể cần nêu cao ý thức trách nhiệm, phát huy vai trò của mình trong phòng, chống BLHĐ, đưa nội dung này vào các cuộc họp dân ở xóm ấp, khu phố để nhắc nhở toàn xã hội chung tay phòng, chống BLHĐ.
Xã hội cũng cần có thêm những trung tâm tư vấn tâm lý lứa tuổi học đường; đồng thời, có thêm những trung tâm, tổ chức xã hội chuyên trách việc tư vấn, giúp đỡ học sinh khi bị BLHĐ.
LÊ BÁ NGỌC
(Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho)