Thứ Hai, 22/04/2019, 16:21 (GMT+7)
.
Bạo lực học đường - nguyên nhân và giải pháp phòng, chống

Bài 1: Những nguyên nhân và hậu quả

Bạo lực học đường (BLHĐ) đã trở thành mối quan tâm của rất nhiều gia đình, nhà trường và là nỗi trăn trở của toàn xã hội, bởi hậu quả nghiêm trọng mà nó gây ra. Chúng ta cần có cách nhìn thấu đáo hơn về hậu quả của BLHĐ đối với gia đình, nhà trường và chính các em học sinh.

Theo khảo sát tổng hợp cho thấy, học sinh hiện gặp khá nhiều “rắc rối” khi tham gia đời sống học đường, trong đó nhiều em cho biết đã từng liên quan tới bạo lực.

Có thể là bạo lực tinh thần, như mắng, chửi, đe dọa, bắt phạt, đặt điều, sỉ nhục, cười giễu bạn, quát tháo, chế nhạo hoặc chỉ trích, nói đùa theo kiểu ác ý… thông qua lời nói là hình thức thường gặp nhất; hay bạo lực thể chất, như tát, đá, xô đẩy, kéo tóc, bạt tai, đánh đập… thông qua những hành vi bạo lực.

Các hành vi có thể do người gây hại thực hiện, hay tổ chức thành băng nhóm để thực hiện. Vậy những nguyên nhân đã dẫn đến BLHĐ và giải pháp phòng, chống.

NHỮNG NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN BLHĐ

Thứ nhất, do tâm lý lứa tuổi chưa nhận thức về các hành vi đúng đắn, thích thể hiện bản thân thái quá, thiếu khả năng kiềm chế và cách ứng xử không đúng với những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống. Bởi độ tuổi từ 12 - 17 là giai đoạn có những chuyển biến về tâm lý - tâm lý không ổn định, dẫn đến thái độ sai trong nhận thức và hành động.

Ngoài ra, do các em thiếu kỹ năng sống, lúng túng khi xử lý các tình huống thường gặp trong cuộc sống, không ít những vụ BLHĐ chỉ xuất phát từ những lý do rất nhỏ nhặt: Từ sự ghen tị, hay những hiềm khích nhỏ, như một ánh mắt “nhìn đểu”, một câu nói đùa, nhìn thấy ghét thì đánh, thậm chí vì lý do “tình ái”…; gán ghép bạn bè bằng những biệt hiệu xấu dẫn đến việc bạn bè xấu hổ, e ngại; nói xấu sau lưng bạn, cô lập, tránh tiếp xúc với bạn một cách có chủ ý…

Nếu học sinh có kỹ năng giao tiếp tốt thì sẽ không để xảy ra những mâu thuẫn, xung đột; nếu có kỹ năng giải quyết xung đột thì những mâu thuẫn, xung đột ấy sẽ không trở thành hành vi bạo lực; nếu có kỹ năng thương thuyết thì những hành vi bạo lực có thể sẽ không xảy ra…

Do không có kỹ năng kết bạn nên ít bạn bè, các em thường tách biệt, luôn cảm thấy thiếu sự hỗ trợ xung quanh, dễ sợ hãi và thiếu tự tin nên dễ bị người khác bắt nạt. Mặt khác,  một số em do thiếu kỹ năng giao tiếp và tính khí thất thường nên “dễ làm người khác bực mình” cũng có thể trở thành nạn nhân của những hành vi bắt nạt.

Thứ hai, do gia đình ít quan tâm, thô bạo trong cách giáo dục con em, chưa gương mẫu trong cuộc sống. Hiện nay, hầu như bậc cha mẹ nào cũng bị cuốn vào vòng xoáy áp lực học tập của con cái, chỉ tập trung vào việc con học kiến thức, con có đạt kết quả học tập cao hay không, mà chưa thật sự ý thức được tầm quan trọng của việc giáo dục hành vi cho con cái để các em trở thành công dân sống có trách nhiệm, ý thức với xã hội.

Có gia đình còn khoán trắng việc giáo dục con em mình cho nhà trường; phần đông các bậc phụ huynh đều bận tâm vào công việc và mưu sinh mà lơ là trong việc chăm sóc, giáo dục con cái; thậm chí có những trường hợp cha mẹ đổ vỡ, con cái không ai chăm sóc, giáo dục..

Thứ ba, sự tác động của phim ảnh và những trò game bạo lực khiến nhiều em học sinh bị tiêm nhiễm và thực hành theo. Đó còn là sự tác động của những mặt trái của xã hội khi các em chứng kiến những vụ ẩu đả, đánh nhau ngoài đường, ngoài xóm.

HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG

Với nạn nhân, bị tổn thương về thể xác và tinh thần, thương tích thân thể, thậm chí bị cướp đi sinh mạng; tâm trạng chán nản, lo âu, cô đơn, suy sụp… bị stress, có thể đi đến tự tử hoặc nổi loạn để trả thù. Những em chứng kiến cũng bị ảnh hưởng: Sợ hãi, hoặc hùa theo số đông, ủng hộ, có hành vi bạo lực trong tương lai.

Với người gây ra bạo lực, phát triển không toàn diện, mất dần nhân tính, khi lớn lên có thể mắc phải những hành vi tội ác.

Cả nạn nhân lẫn người thực hiện hành vi bạo lực đều có hậu quả không hay, ảnh hưởng đến việc học tập, cũng như tương lai của học sinh, gây nguy hại cho xã hội. Tạo tính bất ổn trong xã hội, thiếu niềm tin vào giáo dục, vào con người: Tâm lý lo lắng, bất an bao trùm từ gia đình, nhà trường đến xã hội.

Không khí gia đình nảy sinh mâu thuẫn, có thể phải mất thêm một khoản tài chính lớn để giải quyết hậu quả. Không khí trường học nặng nề, căng thẳng với nỗi sợ hãi, bất an luôn bao trùm và làm lu mờ những nét văn hóa truyền thống của xã hội, làm mất trật tự xã hội.

LÊ BÁ NGỌC

(Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho)

Kỳ sau: Giải pháp phòng, chống
 

.
.
.