.

Đảm bảo thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông mới

Cập nhật: 10:39, 10/12/2019 (GMT+7)

Năm học 2019 - 2020 là năm học cuối cùng thực hiện chương trình giáo dục truyền thống. Bắt đầu từ năm học 2020 - 2021, cả nước sẽ chính thức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPTM) đối với học sinh khối lớp 1. Hiện tại, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện nhằm đáp ứng tốt nhất việc thực hiện Chương trình GDPTM.

Nhiều đơn vị trường học cấp tiểu học đang chuẩn bị sẵn sàng cho việc thực hiện Chương trình GDPTM.
Nhiều đơn vị trường học cấp tiểu học đang chuẩn bị sẵn sàng cho việc thực hiện Chương trình GDPTM.

Theo đánh giá của các chuyên gia về giáo dục, 2 yếu tố quan trọng để quyết định hiệu quả của việc triển khai Chương trình GDPTM ở nước ta trong bối cảnh hiện nay là cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.

Ngay sau khi có hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về thực hiện Chương trình GDPTM, ngành GD-ĐT tỉnh đã tập trung chuẩn bị các điều kiện để thực hiện Chương trình GDPTM. Theo đó, xác định việc chuẩn bị cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên là những nhiệm vụ quan trọng để triển khai thực hiện Chương trình GDPTM.

Ngành GD-ĐT tỉnh chỉ đạo các Phòng GD-ĐT, đơn vị trường học tiến hành rà soát cơ sở vật chất, trường lớp và đội ngũ cán bộ, giáo viên; qua đó, kịp thời bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Qua rà soát bước đầu tại tỉnh Tiền Giang cho thấy, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên cơ bản đáp ứng tốt việc triển khai thực hiện Chương trình GDPTM.

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang Nguyễn Hồng Oanh, để đáp ứng tốt nhất việc triển khai thực hiện Chương trình GDPTM, trong thời gian tới, ngành GD-ĐT tỉnh sẽ tập trung rà soát cơ sở vật chất trường, lớp để có biện pháp xây dựng, sửa chữa, tu bổ kịp thời; thực hiện rà soát bồi dưỡng, nâng cao năng lực trình độ cho giáo viên, nhất là giáo viên lớp 1; tiến hành đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy để giáo viên có thể tiếp cận một cách tốt nhất với Chương trình GDPTM.

Về đội ngũ cán bộ, giáo viên, thời gian qua, ngành GD-ĐT tỉnh quan tâm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ thông qua việc tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các khóa học, bồi dưỡng để đạt chuẩn và trên chuẩn.

Thống kê toàn ngành GD-ĐT hiện có 19.573 cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục. Trong đó có 1.044 cán bộ, nhân viên và 18.529 giáo viên. Ở bậc học tiểu học có 100% giáo viên đạt chuẩn trở lên, trong đó tỷ lệ giáo viên trên chuẩn là 71,3%...

Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT) Trần Văn Dũng cho biết, đứng trước yêu cầu đổi mới, ngành GD-ĐT tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cho giáo viên dạy lớp 1 trong việc đổi mới sách giáo khoa. Những thuận lợi của ngành là thời gian qua 100% trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đều thực hiện tốt việc dạy học bộ môn Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục và có 77 trường tổ chức dạy học theo Mô hình trường học mới (VNEN)...

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Sơn 2 (huyện Gò Công Tây) Lê Thị Kim Hồng cho biết, thời gian qua, nhà trường đã bố trí giáo viên tham gia tập huấn, tiếp cận với Chương trình GDPTM. Bên cạnh đó, trường còn chủ động trong công tác tuyên truyền nên đa số phụ huynh đều nắm về chủ trương triển khai Chương trình GDPTM.

“Qua tiếp cận, tôi nhận thấy Chương trình GDPTM có nhiều điểm tích cực so với chương trình giáo dục trước đây. Ở Chương trình GDPTM sẽ phát huy tính năng động, sáng tạo của học sinh, góp phần tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng, hiệu quả giáo dục. Học sinh sẽ là nhân vật trung tâm của quá trình giáo dục, còn giáo viên chỉ đóng vai trò là người gợi mở. Các môn học trong Chương trình GDPTM sẽ không còn rời rạc như trước đây, mà có sự thống nhất, tích hợp liên môn với nhau. Cụ thể như chương trình giáo dục cũ yêu cầu học sinh lớp 1 đọc 30 tiếng/phút, thì Chương trình GDPTM yêu cầu các em phải đọc 40 - 60 tiếng/phút. Điều này đòi hỏi giáo viên phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong giảng dạy để đạt hiệu quả” - cô Hồng phân tích.

Cùng với đó, ngành GD-ĐT tỉnh đặc biệt quan tâm chuẩn bị về cơ sở vật chất. Theo đó, tổng số phòng học, phòng học bộ môn, phòng hành chính quản trị xây dựng mới và đưa vào sử dụng năm học 2018 - 2019 là 457 phòng; sửa chữa 726 phòng học; đóng mới 7.232 bộ bàn ghế học sinh, 418 bộ bàn ghế giáo viên, 225 bảng lớp.

Trong năm học vừa qua, tỉnh đã đầu tư cơ sở vật chất trường học, với tổng kinh phí 2.516 tỷ đồng. Ở bậc tiểu học, tỷ lệ phòng học đạt chuẩn ở các huyện, thị, thành đạt trên 89% và có trên 79% trường tiểu học có đầy đủ các phòng chức năng. Toàn tỉnh có 190/193 trường tiểu học tổ chức dạy học từ 6 buổi đến 10 buổi/tuần (chiếm tỷ lệ 98,4%), 35/193 trường tổ chức bán trú cho học sinh, chiếm tỷ lệ 18,1%, 133 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia...

Bên cạnh những thuận lợi thì việc triển khai Chương trình GDPTM vẫn còn gặp một số khó khăn mà ngành GD-ĐT tỉnh đang rất cần các cấp, các ngành quan tâm tháo gỡ. Cụ thể một vài địa phương có tỷ lệ học sinh cấp tiểu học học 2 buổi/ngày còn thấp; đối với một số huyện vùng sâu có một vài điểm trường lẻ, phân tán gây khó khăn trong công tác đầu tư cơ sở vật chất và dạy học; một số trường chưa đảm bảo 1 phòng/lớp, trong khi Chương trình GDPTM được thiết kế dạy học 2 buổi/ngày. Ngoài ra, số lượng trường bán trú của tỉnh còn khá thấp, vấn đề thừa, thiếu giáo viên… cũng sẽ là những trở ngại gây khó khăn trong việc triển khai Chương trình GDPTM.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Phương Toàn cho biết, cơ sở vật chất trường lớp được xác định là khâu đột phá, là điều kiện cần thiết để thực hiện Chương trình GDPTM. Do đó, các địa phương đã tăng cường đầu tư cho giáo dục, kiên cố hóa trường lớp. Các huyện, thị, thành trong tỉnh tiếp tục rà soát đội ngũ cán bộ, giáo viên. Cùng với đó, ngành GD-ĐT tỉnh đang tiến hành tổ chức thi tuyển, tiếp nhận thuyên chuyển cán bộ, giáo viên trên địa bàn toàn tỉnh nhằm phục vụ tốt cho năm học 2020 - 2021 và chuẩn bị cho các năm học tiếp theo khi thực hiện Chương trình GDPTM.

Đ. PHI

.
.
.