.

Tăng cường giám sát chất lượng bữa ăn bán trú tại trường học

Cập nhật: 20:47, 06/11/2020 (GMT+7)

(ABO) Những ngày qua, dư luận cả nước đang bàn tán xôn xao về chất lượng các bữa ăn bán trú tại một số trường học trên địa bàn cả nước. Lâu nay, khi cho con theo học ở các trường bán trú, phụ huynh đã gởi trọn niềm tin vào nhà trường hai vấn đề lớn là giáo dục và nuôi dưỡng. Nhiệm vụ của phụ huynh là tới kỳ hạn thì cứ đóng tiền bán trú cho con mà không biết mỗi ngày con ăn uống, sinh hoạt nghỉ ngơi ra sao, bởi phụ huynh nghĩ mọi thứ đã có cô giáo và đội ngũ cấp dưỡng, bảo mẫu ở trường chăm lo.

Như thế, vấn đề đặt ra là ai sẽ quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như đảm bảo chất lượng các bữa ăn bán trú và phụ huynh có quyền giám sát bữa ăn của con mình hay không? Vẫn là câu hỏi còn bỏ ngõ trong thời gian qua.

Bếp ăn bán trú tại Trường Tiểu học Thiên hộ Dương, TP. Mỹ Tho.
Bếp ăn bán trú tại Trường Tiểu học Thiên hộ Dương, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Với những tiến bộ của xã hội hiện đại, đặc biệt là trong thời đại công nghệ 4.0 đòi hỏi ngành Giáo dục phải luôn có những thay đổi để làm mới mình. Tổ chức bán trú cho học sinh học 2 buổi/ngày là một trong những hình thức làm mới được ngành Giáo dục tổ chức trong rất nhiều năm qua và nhận được sự đồng thuận, tán thành cao từ đông đảo phụ huynh. Việc tổ chức bán trú đã giúp rất nhiều phụ huynh không phải đưa rước con đi học, chính vì thế sẽ có nhiều thời gian tập trung cho những công việc khác.

Tổ chức bán trú ở trường học được hiểu là nhà trường sẽ tổ chức cho học sinh ăn, nghỉ chủ yếu vào buổi trưa dưới sự giám sát cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường. Việc tổ chức bữa ăn sẽ do Ban Giám hiệu nhà trường quản lý, chịu trách nhiệm từ khâu thiết kế thực đơn, mua thực phẩm cho đến khâu chế biến món ăn. Nhà trường sẽ trực tiếp tuyển chọn đội ngũ cấp dưỡng có tay nghề và được đào tạo chuyên môn để thực hiện quy trình chế biến món ăn. Việc kiểm tra, giám sát các bếp ăn bán trú sẽ do các Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng như Trung tâm Y tế địa phương, Sở Y tế chịu trách nhiệm.

Nhìn tổng thể, phụ huynh có thể hoàn toàn an tâm về chất lượng bữa ăn tại các trường học. Bởi quy trình chế biến được các trường thực hiện rất chặt chẽ theo nguyên tắc một chiều từ khâu tiếp nhận nguyên liệu thực phẩm, sơ chế, chế biến cũng như thành phẩm của từng món ăn. Trong quy trình này đều được lãnh đạo các trường kiểm tra, giám sát ghi sổ sách rất cẩn thận.

Tuy chặt chẽ là vậy nhưng thời gian qua vẫn còn xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm, chất lượng bữa ăn chưa đảm bảo... ở một số bếp ăn trường học. Nguyên nhân có thể là do các bếp ăn trường học không kiểm tra kỹ lưỡng ở khâu tiếp nhận nguyên liệu thực phẩm dẫn đến một số nguyên liệu không tươi ngon; lãnh đạo nhà trường lơ là, thiếu kiểm tra giám sát…

Tại Tiền Giang hiện có 193 cơ sở giáo dục có bếp ăn tập thể, trong đó có 136 bếp ăn tại trường mầm non công lập, 14 bếp ăn trong cơ sở mầm non tư thục, với trên 80% trẻ mầm non bán trú, 41 bếp ăn tại trường tiểu học, 1 bếp ăn tại trường trung học cơ sở và 1 bếp ăn tại trường trung học phổ thông. Năm học 2020 - 2021 diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 cũng như một số bệnh khác diễn biến phức tạp như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng… Chính vì vậy mà công tác đảm bảo an toàn tại các bếp ăn bán trú được quan tâm hơn bao giờ hết.

Có thể nói, bếp ăn bán trú được lập ra là đáp ứng nhu cầu cho học sinh. Thế nhưng, việc hoạt động của bếp ăn bán trú tại trường học vẫn phải tuân thủ theo đúng quy định không chỉ của ngành Giáo dục mà còn cả ngành Y tế.

Để các bếp ăn bán trú thật sự là nơi an toàn, đòi hỏi hơn nữa sự vào cuộc kiểm tra của lực lượng chức năng mà nồng cốt là ngành Y tế và ngành Giáo dục. Ngoài những cuộc kiểm tra định kỳ, cần có những nhiều đợt kiểm tra đột xuất vào các thời điểm khác nhau để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh hoặc xử lý những sai phạm nếu có. Riêng nội tại các trường, mà trách nhiệm đầu tiên thuộc về Ban Giám hiệu nhà trường cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt hơn trong công tác kiểm tra, có những giải pháp nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh.

Tại các bếp ăn của các trường học cũng nên tiến hành thiết lập hệ thống camera ở tất cả các khâu để có thể lưu giữ hình ảnh trong quá trình chế biến thức ăn hoặc khi cần thiết có thể đem ra đối chiếu. Bên cạnh đó, nhà trường nên đăng tải, công khai những món ăn hằng ngày của học sinh lên trang web cũng như trang mạng xã hội của trường để phụ huynh có thể an tâm hơn. Ngoài ra, Ban Đại diện cha mẹ học sinh của các trường cần phối hợp với Ban Giám hiệu nhà trường để có những đợt kiểm tra, giám sát thường xuyên tại các bếp ăn.

Có thể nói, nếu các bếp ăn bán trú tại các trường được nâng cao chất lượng thì sẽ góp phần phát triển thể chất, năng lượng và trí tuệ cho học sinh. Chính vì vậy, việc kiểm tra, giám sát tại các bữa ăn bán trú trường học cần phải thực hiện đồng bộ và thường xuyên.

TRÚC GIANG

 

.
.
.